Đêm nhạcPhố ơi phố à... Bống ơi Bống à được tổ chức tại Hà Nội vào tối 5/12. Từ khoảng 19h30, sảnh của Cung Văn hóa thủ đô dần được lấp đầy bởi những dòng người. Phần đông trong số họ là những người tuổi trung, cao niên. Còn lại là những khán giả từ 25 đến dưới 40 tuổi. Họ háo hức bàn tán về những bài hát mà "cô Bống" sẽ biểu diễn trên sân khấu.
"Lâu lắm rồi Hồng Nhung mới tổ chức liveshow ở thủ đô. Lần gần nhất cô ấy tổ chức đêm nhạcCó phải em mùa thu Hà Nộivào năm 2012. Thực ra nếu muốn nghe Hồng Nhung hát một vài bài, tôi có thể đến một chương trình lớn nào đó. Nhưng tôi cần nhiều hơn thế. Tình cảm của tôi với 'cô Bống' không chỉ là sự yêu thích, ngưỡng mộ về tài năng mà còn là sự trân trọng trước một giọng hát gắn liền với nhiều kỷ niệm khó quên", bác Đình Cường (45 tuổi, Hà Nội) tâm sự.
Vị khán giả trung niên tâm sự ông bắt đầu biết đến Hồng Nhung từ năm 10 tuổi. Khi ấy, "cô Bống" đã khiến những người bạn nhỏ đồng trang lứa như ông thích thú trước những bài hát nhưLời chào của em,lúc lớn hơn làDiều ơi cho em bay. Đến thời thanh niên, gần như ai cũng thuộc nằm lòng giai điệu và lời caNhớ về Hà Nộimà Hồng Nhung thể hiện, được sử dụng làm nhạc hiệu phát trên loa phường vào mỗi sáng. Cũng chính nhờ giọng hát của "cô Bống", ông Cường mới có cơ hội gặp gỡ người "bạn đời" trong một lần giao lưu giữa những người yêu mến các ca khúc do Hồng Nhung thể hiện, từThuở Bống là ngườiđếnVườn yêuhayCho em một ngày.
Xuyên suốt chương trình, mỗi khi "Bống" cất tiếng hát lên một khúc nhạc kỷ niệm, ông Cường lại thì thầm điều gì đó vào tai vợ như khơi gợi lại những năm tháng khó quên. Người bạn đời kế bên của ông khi ấy chỉ biết cười e thẹn rồi lặng lẽ nắm lấy tay chồng. Họ lại lẩm nhẩm hát theo những giai điệu xưa cũ.
Lắng nghe những giai điệu cả cũ lẫn mới từ nàng "Bống", khán giả tên Bình chắp tay gật gù: "Nhung hát ngày một mềm mại". Người hâm mộ 61 tuổi cho biết thời còn trẻ, Hồng Nhung thường sang nhà mình chơi và tập nhạc bởi bà có em chồng là nhạc sĩ.
Hồng Nhung thả hồn vào những giai điệu về quê hương, tình yêu và con người trong đêm nhạc. |
Bà Bình nói rằng mình thích nghe Hồng Nhung hát Nhớ mùa thu Hà Nội nhất. Cả trong tiếng nhạc phát lại từ băng hình trắng từ tấm phông trên sân khấu đến lúc Hồng Nhung cất giọng, vợ chồng bà Bình đều chăm chú theo dõi. Đôi lúc, chồng bà lại chỉ lên chiếc màn hình trên sân khấu để kể tên những nơi gắn liền với hình ảnh Hà Nội, nào là Hồ Gươm, Tháp Bút, phố Tràng Tiền... Đâu đó trong căn phòng tổ chức đêm nhạc, cũng có những đôi vợ chồng già lặng ngắm những phố phường, chợ hoa ngày 30 Tết nhuốm màu kỷ niệm.
Nhìn điệu bộ lí lắc, dáng vẻ yêu kiều của Hồng Nhung trên sân khấu, không ít người hâm mộ xuýt xoa về sự trẻ trung của cô. "Đó không chỉ là chuyện vóc dáng mà còn là thần thái, cách trò chuyện giao lưu với khán giả. Qua bao năm mà cô ấy vẫn giữ được cho mình một sự khéo léo, duyên dáng rất riêng trên sân khấu. Có lẽ khi đến với 'Bống', được nghe cô ấy hát mới chỉ là một phần của sự hưởng thụ", một khán giả 35 tuổi cho biết.
Đứng bên Thanh Lam - người bạn thân thiết suốt những năm tháng hoạt động trong các đội ca hát thiếu nhi, Hồng Nhung cùng song ca liên khúc Người ở đừng về - Bèo dạt mây trôi. Họ ôn lại kỷ niệm khó quên và choàng tay ôm lấy nhau đứng trước khán giả để kể chuyện, có lúc cùng nhau bật cười lớn. Tất cả diễn ra một cách tự nhiên, chân thành, thậm chí giống như ngày hôm qua chưa bao giờ có sự lạnh nhạt vì hiểu lầm trong mối quan hệ của hai diva nhạc Việt.
"Cô Bống" kể thời còn là những cô gái đôi mươi, họ từng cùng nhau làm nhiều trò nghịch ngợm. Trong một lần đi diễn ở Buôn Mê Thuột, vừa nhận cátxê, hai ca sĩ rủ nhau vào chợ ăn quà. "Tôi kiếm được bao nhiêu tiền Hồng Nhung 'tịch thu' hết", Thanh Lam đùa. Hồng Nhung tiếp lời rằng biết tính Lam hay quên, dễ làm mất đồ nên cô đề nghị để mình giữ tiền.
Vừa vào chợ, hai diva sà vào các hàng quà, bánh. Nhưng hai cô không nói tiếng Việt. Họ giả làm du khách nước ngoài để trêu đùa và nhận lại được nụ cười từ những người bán hàng. Đến khi ngồi vào hàng chè, sau một hồi nói "ngoại ngữ" say mê cũng như thưởng thức món ngọt thỏa thích, Hồng Nhung sờ vào túi rồi bỗng xanh mặt hét lớn: "Ôi thôi chết Lam ơi, tôi rơi mất hết tiền rồi".
Hồng Nhung và Thanh Lam thể hiện liên khúc "Người ở đừng về" và "Bèo dạt mây trôi" trên sân khấu. |
Phố à phố ơi... Bống à Bống ơilà câu chuyện về cuộc đời của Hồng Nhung, được kể theo lối đan xen giữa quá khứ và hiện tại.Sự đan lồng những ca khúc cũ, mới tạo nên một hình ảnh của Hồng Nhung vừa có chiều sâu, vừa đa diện. Đó là một em "Bống" diện áo sơ mi trắng với tóc cắt ngắn hồn nhiên thả giọng trong những ca khúc thiếu nhi, một cô "Bống" dịu dàng trong những giai điệu về Hà Nội, một nàng "Bống" cháy hết mình cho tình yêu và một người đàn bà mang tên Hồng Nhung viên mãn trong cuộc sống làm vợ, làm mẹ của ngày hôm nay.
Ca khúc chủ đề của chương trình đặc biệt gây ấn tượng mạnh với khán giả. Với lối kết mở bằng cùng một bài hát, người hâm mộ thấy được rõ chân dung về một phố - một Hồng Nhung theo năm tháng. Phố và "Bống" như một bản thể thống nhất, như hai vế đối trong một câu thơ. Lần đầu xuất hiện, phố và "Bống" là những gì thuộc về tuổi trẻ, thuộc về những gì thân thương nhất là mái nhà, là tuổi thơ, là mối tình đầu với chàng nhạc sĩ và cây đàn guitar... Ở lần tiếp theo, phố và "Bống" lại là những gì thuộc về con người của hiện tại. Đó là sự trưởng thành, là sự hoà mình vào nếp sống của hiện đại. Người hiện đại ấy mang trong mình ý thức về trách nhiệm lớn lao - bảo tồn thiên nhiên động vật hoang dã, cứu lấy trái đất. Để có được như thế, người đàn bà ấy luôn mang trong mình những ký ức, giá trị truyền thống như một hành trang, cốt lõi để không bị kéo theo những toan tính hay bon chen của thời đại.
Chương trình được chia thành năm phần, kể về từng bước đường phát triển của "cô Bống" và có sự kết hợp của nhiều loại hình từ hát, múa đến ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt. Từ một cô gái được sinh ra trong tình yêu của quê hương, đất nước, nữ ca sĩ dần mở cánh cửa đưa mình đến với tình yêu nhân loại, với cả con người, động vật cũng như thiên nhiên. Sau nhiều năm tháng, người con gái ấy ngộ ra được những triết lý của cuộc đời. Với cô, cuộc sống đơn giản là nhiều niềm vui hơn nỗi buồn. Vì vậy, con người nên chăng hãy chỉ nghĩ tới điều vui mà sống tốt cuộc đời mình. Những người bạn diễn như Thanh Lam, Vũ Cát Tường, nhóm O-Plus... phần nào giúp Hồng Nhung truyền tải được những thông điệp này.
Hình ảnh con người - Hồng Nhung - và tấm gương phản chiếu bản ngã gây ấn tượng mạnh trong chương trình. |
Với kết cấu nhiều lớp lang cùng nội dung đan cài phức tạp, đêm nhạc của Hồng Nhung gợi mở nhiều liên tưởng cũng như triết lý cho từng khán giả. Nhưng cũng chính vì thế, suốt hơn ba tiếng diễn ra, chương trình không khỏi khiến một số người bị mệt khi theo dõi.
Dù vậy, phần đông khán giả bước ra khỏi phòng nghe nhạc vẫn nở nụ cười trong mãn nguyện. "Tìm đến Hồng Nhung, với tôi không còn là nghe nhạc nữa mà là để cảm nhận sự sâu sắc của ngôn từ, quan trọng hơn là cái hồn của Hà Nội lãng đãng, xinh xắn và giản dị. Có những bài hát của Bống nghe đến thuộc lời, đến nằm lòng rồi nhưng tôi vẫn muốn nghe lại, cảm giác như điều gì đó thuộc về máu thịt. Tôi nghĩ có những người con Hà Nội sinh ra là để giữ lại linh hồn cho mảnh đất kinh kỳ duyên dáng này", Yến Khanh (25 tuổi, Hà Nội) - một người yêu giọng hát Hồng Nhung lâu năm cho biết.