Đang tải dữ liệu ...


Ca sĩ Trần Thu Hà: “Nhạc Việt giờ còn cần tôi làm gì hơn nữa?”

“Nói thẳng ra là tôi không kỳ thị. Với thị trường “xô chậu”, ai bán được nhiều vé thì mới là đẳng cấp...” – Từ Mỹ, Hà Trần lên tiếng về việc chị nhận lời làm khách mời trong show hải ngoại của Đàm Vĩnh Hưng và không ngại chia sẻ điều đó lên facebook, gây ngỡ ngàng cho không ít fan và cộng sự “ruột”.

“Cứ co cụm đến lúc hết thời, danh hiệu cũng chẳng là gì”!
 
Vậy là sau Thanh Lam, lại thêm một diva quyết định cộng tác cùng một “sao thị trường”. Liệu đó có phải là một “cú tặc lưỡi” của chị? 
 
- Tôi có đọc được một số comment có phần cảm tính, chưa rõ “mô tê” đã vội vàng đánh giá. Tôi cũng trả lời thẳng với fan là “đi làm thôi, có gì phải thắc mắc!" Ở hải ngoại, mô hình show là thập cẩm. Tour Đàm Vĩnh Hưng, Tour Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên hay bất cứ ai diễn ở casino và các tụ điểm thường ghép ca sĩ khác vào để bán vé được nhiều hơn. Nói thẳng, là mình hát cho... người ta nghỉ thay đồ. Trừ khi là live show riêng của ca sĩ làm ở rạp lớn, có quay video chẳng hạn, thì khác. Những khách mời ngoài phần hát riêng có phần kết hợp với ca sĩ chính, chẳng hạn như live show Quang Dũng vừa rồi. Mô hình show bên này là vậy, giống như các video của Paris by Night đó, luôn đủ các thể loại nhạc và ca sĩ. 
Âm nhạc mỗi người một khác, nhưng anh Đàm Vĩnh Hưng đối xử với tôi lịch sự, bầu sô anh ấy cũng rất tôn trọng tôi, nên tôi chẳng thấy vấn đề gì khi đứng chung sân khấu với anh ấy cả. Ngày xưa cả thị trường âm nhạc Sài Gòn tẩy chay “Nhật thực”, chính anh Hưng và một số anh chị em khác đã đến xem show và thường nhắn tin động viên tôi. Điều ấy, tôi không quên. 
 
Dường như vẫn có một sự “dìn dứ” nhất định giữa sao nhạc nhẹ chính thống và sao thị trường, chị có thấy thế? 
 
- Nói thẳng ra là tôi không kỳ thị. Người có đẳng cấp chuyên môn hay coi nhẹ các sao thị trường, nhưng thị trường “xô chậu”, ai bán được nhiều vé thì mới là đẳng cấp. Thế thì so sánh để làm gì? Giang sơn nào anh hùng ấy. Tôi thấy sau lưng một người thành công là rất nhiều cái giá phải trả, rất nhiều nỗ lực và hy sinh nên thực lòng tôi không coi thường ai cả. Sống đến tuổi này phải bớt thị phi, bớt định kiến thì mới là người trưởng thành. Tôi chỉ có duy nhất một định kiến là người nào xấu tính, hay “nói một đằng làm một nẻo”, hay sân si đố kỵ thì tôi không thèm chơi. 
 
Trong khi Thanh Lam luôn an toàn với những cộng sự quen thì Hà Trần từ hồi qua Mỹ lại vẻ như dễ dàng gật đầu cộng tác với nhiều cộng sự trong nước hơn, từ Phạm Thu Hà, Quang Dũng, Uyên Linh... đến Hoàng Rob. Chị trở nên bớt khó tính từ bao giờ vậy? 
 
- Diva là danh hiệu để bán vé. Còn bản chất nằm ở nhân tính, sự nhân ái. Cứ sống co cụm đến lúc hết thời, danh hiệu cũng chẳng là gì. Thanh Lam là một nghệ sỹ rất rộng lượng, nhưng chị có lựa chọn riêng. Còn tôi thì chỉ lắc đầu khi sự hợp tác đó không hứa hẹn kết quả và làm mất chất của mình. Bất kỳ ai hợp tác với tôi đều hiểu rằng tôi nâng đỡ họ, đồng thời tôn trọng bản thân mình. Sự khó tính của tôi là nếu thấy lố thì dù đối tác đó là ai, tôi cũng không hợp tác. 
 
Những đợt về nước ngắn ngày có phải là một trong những lý do khiến chị bớt "kén canh chọn cá"? 
 
- Ôi vẫn "kén" đấy ạ! Có nhiều chương trình mời mãi vẫn không làm đấy! Đại diện ca sĩ thường than vãn Hà Trần đòi hỏi cao không lấy sô đại trà được. 
 
Càng ngày những chuyến về nước biểu diễn của chị càng dày hơn, hấp lực chính là gì? 
 
- Vì fan ruột là nhiều. Thị trường sô trong nước phong phú hơn, được hát thoải mái hơn. Những đêm chạy thử "Bản nguyên" ở club, pub thì làm gì nhiều tiền, nhưng được hát nhạc của mình, gặp khán giả của mình. Tôi thích thay đổi, chạy qua chạy lại. Cách đây khoảng 5-7 năm, ai cũng nhào qua Mỹ hát vì cát sê, thị trường ca nhạc hải ngoại kiếm ăn tốt thì tôi lại ít hát vì... chán, rồi nghỉ sinh con. Tiền nhiều ai chẳng thích, nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Tiền vừa, nhưng thừa tự do vẫn sướng hơn chứ! 
 
Thanh Lam mới đây nhận xét về Hà Trần trên Lao Động: "Đôi khi nghệ sĩ bị dồn vào một góc cô độc nào đó trong môi trường làm nghề cũng có thể là một yếu tố kích thích sáng tạo...", chị có thấy đúng? 
 
- Câu chị Lam nói về tôi cực chuẩn, tôi rất thích. Thế gọi là hiểu nhau. Nhạc sĩ Trần Tiến cũng có câu hát: "Con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn". Tôi hiểu được điều này, từ trẻ. 
 
Nhưng đàn chị thân thiết của chị cũng nói rằng: "Đôi khi xem bạn hát, tôi thấy rất thương, thương bạn, thương mình, vì có những bài đúng là người hát rút ruột rút gan ra mà hát, lại chưa chắc đường đến với công chúng đã dễ dàng...". Có bao giờ chị cũng tự thấy thương mình, sau những Vi sinh, Mầm hạt, Bản nguyên... ? 
 
- Thương mỗi ngày ấy chứ! Nhưng người mạnh thì không khóc nhè mà vẫn đi tiếp. Càng đi, càng lì lợm. Xét cho cùng, chúng ta đều chỉ sống một lần, nên hãy sống cho những điều mình mong muốn, nhận những thứ dành cho mình. Thế là hạnh phúc. 
 
Thật ra thì chiến lược làm nghề của chị cũng khá là «khôn » đấy chứ? Có cái khó nhằn, nhưng cũng có cái dễ nuốt – cứ thế đan xen... 
 
- Có lúc ăn, có lúc nhè ra đấy chả không ạ, nhưng kệ thôi, cứ chăm chỉ trì trí, đi đến đâu được là do phận phúc của mình. Trời cho, chứ chẳng do bản thân đâu. 
 
"Họ chẳng cần mình, nhưng mình cần họ" 
 
Rất có duyên với hạng mục "Album của năm" ở giải Cống Hiến, cũng là diva chăm ra album nhất, chị nghĩ sao về cú thở dài mới đây của nhạc sĩ Quốc Trung: "Tôi không còn đủ tâm huyết và nhiệt tình ra sản phẩm mới, trước thực trạng vi phạm bản quyền trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay"? 
 
- Làng nhạc quanh đi quẩn lại mấy anh chị em, mỗi người một mảng, tôi rất quý và cả thương nữa. Chúng tôi cứ cố động viên nhau thôi chứ thật sự nhà sản xuất hay ca sĩ đều sống bằng sô. Làm đĩa, video chỉ để PR thôi. Tôi cũng chưa nghĩ ra cách nào cả. Ước mơ còn nhiều. Tôi muốn tìm cách hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài, mở rộng thị trường ra ngoài cộng đồng ngôn ngữ Việt, nhưng tự biết muốn vậy phải trau dồi lao động nhiều lắm nữa. Mơ ước đó không vì tham vọng "bành trướng" mà vì tự tôi cũng không hoàn toàn phù hợp với văn hóa Việt. Từ bé đã bị bảo Tây quá.
   
So với kỳ vọng ban đầu (về nghề) khi đặt chân đến vùng đất mới thì đã đạt được bao nhiêu phần trăm? 
- Chưa được % nào. 13 năm rồi đấy! Có lẽ cũng vì từng ấy năm nấn ná với nhạc Việt, với fan mà chưa bứt ra tìm cơ hội mới. 
Nấn ná vì sao, nặng lòng hay sinh kế? 
- Tôi cứ thấy nợ nần, vì quá nhiều người kì vọng và đặt niềm tin vào mình. Và khi có con thì mọi lựa chọn cá nhân cũng phải cân nhắc. Bắt đầu lại từ đầu là rất nhiều rủi ro cho cuộc sống gia đình, trong khi vị trí đang có duy trì nền tảng cuộc sống tốt hơn. Một quyết định tiến thoái lưỡng nan. 
 
Đã chắc gì thị trường Tây cần một ca "Tây từ bé" ? 
 
- Họ chẳng cần mình. Nhưng mình cần môi trường nhiều thử thách hơn ấy chứ! Nhạc Việt giờ còn cần tôi làm gì hơn nữa? 
 
20 năm, chiếc áo diva với Hà là...? 
 
- Là "trần trùng trục đi về không vướng víu". Thơ của ai ấy nhỉ? 
 
20 năm, câu hát nào là ám ảnh? 
 
- "Rũ hết ánh màu, về giũ thân nhàu tìm chính ta..." (Bản nguyên).
 
 "Bắt đầu lại từ đầu là rất nhiều rủi ro cho cuộc sống gia đình, trong khi vị trí đang có duy trì nền tảng cuộc sống tốt hơn. Một quyết định tiến thoái lưỡng nan."

 

Lượt xem: 1301
( theo Lao động ) - Thứ tư, 02/08/2017, 16:28 GMT+7
Tin mới nhất:
Các tin khác:
1 - Từ khóa
2 - Thành phố - Địa điểm
3 - Thời gian
Từ ngày
Đến ngày
4 - Trạng thái
Đối tác – Khách hàng