Đang tải dữ liệu ...


'Tôi và làng tôi' - sách gợi 'hồn vía' làng quê Bắc Bộ

Tác giả Lê Bá Thự tái hiện cuộc sống quê ông ở thế kỷ trước với cảnh bắt tôm, bắt cá, làm ruộng, chăn trâu...

Với trên 300 trang viết, chất liệu phong phú, giàu cảm xúc, nhà văn Lê Bá Thự đưa độc giả trở về những năm 1950 và đầu 1960, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi hòa bình lập lại tại một làng quê nghèo ở Thanh Hóa. Làng quê này có cái tên đẹp và thơ mộng: Nguyệt Lãng. Làng Nguyệt Lãng có dáng hình vầng trăng thượng huyền cỡ đại với con đường độc đạo, rộng chừng sáu mét, chạy xuyên suốt từ đầu làng đến cuối làng, theo hướng tây - đông. Song song con đường này là con sông đào mà người làng vẫn gọi là Nông Giang, xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Giữa làng tọa lạc một ngôi đình hướng đông - nam, uy nghi, đồ sộ với những hàng cột gỗ lim to đùng, kê trên nền những hòn đá tảng đại cỡ. Đầu làng, cuối làng và giữa rìa phía đông - nam làng Nguyệt Lãng là ba ngôi nghè lớn với những đồ tế khí sơn son thếp vàng sặc sỡ, dân làng vẫn gọi ba công trình kiến trúc này là nghè trên, nghè dưới và nghè giữa. Nhìn từ trên cao xuống thấy rõ “vầng trăng thượng tuần Nguyệt Lãng” được bao bọc, che chở bởi những công trình thờ tự linh thiêng. Đúng là một quần thể kiến trúc làng xã hoàn hảo của cha ông ngày trước.

Là người trong cuộc, tỏ tường đến từng chân tơ kẽ tóc làng mình, bằng ngòi bút chân thực, sinh động, lắm khi dí dỏm và trào lộng, tác giả kể cho độc giả cuộc sống nghèo khổ và lam lũ song cũng rất hồn nhiên, lạc quan của dân làng Nguyệt Lãng và bản thân ông. Qua những câu chuyện người thực, việc thực, người đọc dễ dàng mường tượng cuộc sống của một làng xứ Thanh thời chống Pháp: tăng gia sản xuất tự nuôi mình và cung cấp lương thực cho bộ đội ăn no đánh giặc, đóng thuế nông nghiệp, đi dân công tải đạn và tải gạo phục vụ các chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ, Hòa Bình… Gian khổ và vất vả là vậy nhưng người dân làng Nguyệt Lãng vẫn lạc quan yêu đời, ca hát, nhảy múa.

Đọc Tôi và làng tôi dễ nhận ra nhà văn Lê Bá Thự từng là một đứa trẻ chăn bò tinh ranh, lắm chiêu trò, từng là một lực điền, nông dân thực thụ, một xã viên hợp tác xã gánh phân cực khỏe, thành thạo mọi công việc nhà nông như nhổ mạ, bừa ruộng, làm cỏ lúa, gặt, đập… Anh còn có tài kiếm cá, mò cua, bắt ốc, bắt ếch… đến độ được “tôn vinh” là “Con rái cá làng Nguyệt Lãng”. Người đọc thích thú, thậm chí thán phục, khi đọc những trang anh kể rất tỉ mỉ, chi tiết và “chuyên nghiệp” về chuyện anh bắt cá thành thạo như thế nào. Đó là úp nơm, cắm câu bắt cá quả, câu cá ngạo, kéo khẳng bắt cá diếc, câu và bắt cá rô, bắt ốc, đơm trúm, kéo te bắt tôm tép… Trong bài Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi chăn bò có sướng hơn không?, tác giả cho độc giả cơ hội sống lại thời thơ ấu chăn trâu, cắt cỏ, nghịch ngợm, đầy hồn nhiên, nhiều thi vị. Đọc các bài Xem phim Bạch Mao Nữ, Tôi nuôi lợn ỉ, Tắm mưa, trận mưa đầu mùa, trận mưa ếch, Những trò chơi của trẻ con làng tôi, Tết trong nhà, tết ngoài làng, Chợ tết cầu may, Trường làng, Trường huyện, Trường tỉnh… độc giả dễ dàng nhận ra hình ảnh chính mình trong đó, nhất là những người từng sống ở làng quê.

Trong bài giới thiệu cuốn sách Tôi và làng tôi, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng Lê Bá Thự kể chuyện mình mà ra chuyện người. Chuyện của làng mình mà cũng là chuyện của nhiều làng quê khác. Đó là vẻ đẹp đã “lùi vào cổ tích” nhưng là hồn vía của quê. Mà cái hồn vía ấy lại đang phiêu bạt. Trần Đăng Khoa gọi nhà văn Lê Bá Thự là người "gọi hồn" làng. “Và rồi nhờ tiếng 'gọi' da diết của anh, những vẻ đẹp của làng quê, những hồn vía của làng quê xưa đã thấp thoáng trở về rồi lồng lộng hiện lên nguyên vẹn, sắc nét trong cuốn sách này. Không chỉ có làng Nguyệt Lãng của anh, mà cả làng Điền Trì của tôi và còn rất nhiều làng quê khác trong suốt dải đồng bằng Bắc Bộ cũng đã thấp thoáng về đây, sum vầy quần tụ trong những trang sách này”, Trần Đăng Khoa viết.

Tác giả Hạt gạo làng ta nhận định đây là một cuốn sách quý. "Nó như một bảo tàng nho nhỏ, một bảo tàng riêng của Lê Bá Thự, lưu giữ những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê những năm 50, 60. Đó là bầu khí quyển trong vắt. Bầu khí quyển nông dân mà ta ngỡ chỉ có thể tìm thấy ở nước thiên đàng…”, nhà thơ chia sẻ.

Văn Long

Lượt xem: 1074
( theo Vnexpress ) - Thứ ba, 12/06/2018, 09:32 GMT+7
Tin mới nhất:
Các tin khác:
1 - Từ khóa
2 - Thành phố - Địa điểm
3 - Thời gian
Từ ngày
Đến ngày
4 - Trạng thái
Đối tác – Khách hàng