Trước những tranh cãi về việc thu tiền bản quyền ca khúc “Tiến quân ca”, nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả khẳng định, “Chúng tôi chưa bao giờ đòi tiền bản quyền Quốc ca. Khi ca khúc “Tiến quân ca” được sử dụng trong các nghi lễ cấp Quốc gia như chào cờ chẳng hạn, sẽ không thu tiền. Còn, khi ca khúc “Tiến quân ca” được sử dụng như một ca khúc cách mạng trong các đêm ca nhạc, trong việc in thu băng đĩa, thì sẽ thu tiền bản quyền như các ca khúc cách mạng khác. Nếu những ca khúc cách mạng khác có tiền bản quyền, tại sao “Tiến quân ca” lại không?”.
Khi phóng viên đặt vấn đề về việc gia đình nhạc sĩ Văn Cao từng hiến tặng ca khúc “Tiến quân ca” cho nhà nước, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, “Đây không phải là thời điểm thích hợp để bàn đến các vấn đề về bản quyền của ca khúc “Tiến quân ca”. Thời điểm này không nên bàn thêm gì cả. Và chúng tôi cũng sẽ không nói thêm bất kỳ điều gì, không bàn cãi thêm về câu chuyện này nữa”.
Liên lạc với đại diện phía gia đình nhạc sĩ Văn Cao- con trai ông, nhạc sĩ Văn Thao cho biết, “Hiện tại, chúng tôi cũng không muốn nói gì thêm. Chúng tôi từng giao tất cả các ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, trong đó có ca khúc “Tiến quân ca”. Bởi vậy, có bất kỳ vấn đề gì cần hỏi, cứ việc hỏi nhạc sĩ Phó Đức Phương”.
Liên quan đến chuyện tiền bản quyền ca khúc “Tiến quân ca”, hôm qua, 25/8, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch- Ông Vũ Xuân Thành vừa ký văn bản đề nghị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam dừng thu tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc “Tiến quân ca”. Theo đó, trong công văn 498/BVHTTDL-TTr nêu rõ, năm 2010 bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố Nhạc sỹ Văn Cao có Thư ngỏ lời gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được hiến tặng tác phẩm “Tiến quân ca” cho công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước.
H.H