Thị trường tổ chức biểu diễn vẫn đang vận động nhưng hiệu quả thì phập phù và không thể lường trước.
Ì ạch những chương trình xuân thu nhị kỳ
2-3 năm trước, thị trường tổ chức biểu diễn ở Hà Nội rất sôi động. Vào những tháng cao điểm (mùa Xuân - Tết và mùa Thu - Đông), các chương trình cứ xếp hàng diễn ra ở Cung Việt Xô, Nhà hát Lớn rồi cả Trung tâm Hội nghị Quốc gia hơn 3.000 chỗ ngồi. Nhiều lúc cùng một dịp cuối tuần, cả Nhà hát Lớn và Cung Việt Xô đều có chương trình và có khi chung cả nghệ sĩ nhưng vé vẫn bán tốt.
Một số chương trình biểu diễn do một vài cá nhân, đơn vị tổ chức được xem như những món ăn tinh thần kiểu mùa nào thức ấy.
Chẳng hạn như các đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang, chương trình của Nhà hát Nghệ thuật đương đại (trước đây là Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam), chương trình của Công ty Media Max… 14/2 là tình khúc cho những người đang yêu; 8/3, 20/10 là chủ đề quà tặng dành cho phụ nữ, tháng 9 tháng 10 vào Thu là những tình khúc Thu hoặc nhạc tình lãng mạn của các tác giả thời kỳ tân nhạc… Mấy năm trước, chỉ cần trên bandroll xuất hiện những tên tuổi như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Tấn Minh, Trọng Tấn… là đủ để bán vé dù chương trình được đầu tư rất hạn chế về ý tưởng nội dung hay trang âm ánh sáng.
Tuy nhiên, từ 2 -3 năm trở lại đây, những chương trình như vậy đã không còn khả năng thu hút khán giả nữa. Một đơn vị thường mua đứt lịch biểu diễn trong những dịp lễ ở Cung Việt Xô với 1.300 ghế ngồi nay đã chỉ dám đặt chỗ ở Nhà hát Lớn với chỉ khoảng 500 chỗ. Những series như Không gian âm nhạc, Cầm tay mùa Hè hay In The Spot Light đã dừng lại hoặc chỉ tổ chức thưa thớt chứ không còn định kỳ hàng tháng như trước.
Giá vé của các chương trình cũng đã hạ xuống. Thay vì phổ biến ở mức trần là khoảng 3 triệu/vé hạng nhất, hiện nay giá vé cao nhất chỉ khoảng 2 triệu. Bên cạnh đó, các đơn vị thường phải tận dụng hết các mối quan hệ để bán vé tập thể với mức giảm ít nhất là 10%, cao thì có thể lên đến 20 - 25%, thậm chí 30%.
Hoặc đến gần ngày biểu diễn thì nâng hạng vé, chẳng hạn nếu khán giả mua vé loại 1 triệu đồng thì sẽ được ngồi ở khu vực dành cho vé 1,5 triệu đồng.
Kích cầu bằng…nhà tài trợ
Ngay cả những chương trình đầu tư ít thì có tài trợ vẫn là điều đảm bảo chắc chắn cho khả năng thu hồi vốn. Còn việc cần các nhà tài trợ để “trợ giá” cho vé xem biểu diễn gần như điều tất yếu với những chương trình cần đầu tư nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung các tên tuổi ca sĩ (đa phần đã trở nên cũ với tốc độ phát triển của nền âm nhạc thế giới nói chung và của gu âm nhạc của giới trẻ Việt Nam nói riêng), các chương trình khó mà thu hút được nhà tài trợ.
Bởi vậy, các nhà tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp đã tìm đến một hướng đi mới: Mời các nghệ sĩ quốc tế đã qua thời nhưng có những gắn bó chặt chẽ với gu nghe nhạc của người Việt về biểu diễn. Richard Clayderman, Michael Learns To Rock là những ví dụ.
Chỉ mất khoảng 400 triệu đồng để mời những nghệ sĩ này về, không cần làm nội dung, không cần lo ban nhạc, khỏi cần giám đốc âm nhạc hay các bản phối nhạc đệm thậm chí không cần lo cả nhạc cụ (với Michael Learns To Rock), nhà tổ chức đã ung dung bán vé.
Với Richard Clayderman, đơn vị tổ chức chương trình này đã “đánh” rất trúng thị hiếu của khán giả nên không chỉ tạo ra được một cơn sốt vé thật sự với giá vé từ 600.000 đồng đến 3.800.000 đồng, chương trình còn nhận được sự số tiền tài trợ rất đáng kể từ một ngân hàng.
Nhạc hội Gió Mùa - Monsoon do nhạc sĩ Quốc Trung chủ trì ngay mùa đầu tiên đã thắng lớn về mặt khán giả và thu hút được tài trợ bởi không chỉ tập trung nhiều nghệ sĩ hạng top trong nước bên cạnh những tên tuổi của làng nhạc thế giới (tuy đã qua thời) như Dominic Miller, chương trình còn đưa ra một hình thức biểu diễn mới mẻ cho khán giả dù nhạc hội ngoài trời đã là thứ quá cũ kỹ với thế giới.
Hơn nữa, giá vé chỉ 60.000 đồng/đêm, mua cả 3 đêm thì được giá sỉ 150.000 đồng, dễ làm cho những người yêu nghệ thuật nhúc nhích rời mắt khỏi chiếc ti-vi trong nhà để tới một địa điểm biểu diễn rất đáng đến: Hoàng thành Thăng Long.
Ý tưởng tổ chức Đại nhạc hội Gió Mùa của nhạc sĩ Quốc Trung có thể nói là đột phá trong thời buổi thóc cao gạo kém và công chúng đã quá ngán các món ăn “truyền thống”. Sắp đến hẹn, từ 8-11/10 Gió Mùa lại “thổi” với một tên tuổi tuy đã cũ và đã rã đám lâu lâu mới họp lại nhưng cũng rất được lòng công chúng Việt Nam, đó là nhóm tứ tấu Bond. Bên cạnh đó là Matt Robertson, Zara McFarlane - những nghệ sĩ đẳng cấp nhưng tên tuổi không được công chúng phổ thông biết đến nhiều.
Và nghe đâu, còn một con át chủ bài là một nghệ sĩ rất đương đại, rất được đánh giá cao trong làng nhạc soul: nữ ca sĩ Joss Stone. Và giá vé cũng không còn là 60.000 đồng mà đã tăng lên 220.000 đồng, mua sỉ cho 4 đêm diễn thì giá 600.000 đồng và có gói vé VIP cho cả 4 đêm là 1.500.000 đồng. Đồng thời, số nhà tài trợ, số tiền tài trợ cho chương trình đã tăng lên.
Ở làng nghệ thuật hàn lâm, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HSBO) cũng hết sức nỗ lực với công cuộc xây dựng lớp công chúng “ruột” và bán vé. Giảm giá cho sinh viên, học sinh, đưa vào chương trình những nội dung mang tính phổ biến kiến thức là việc nhà hát này đã làm vài năm nay.
Nhưng mới đây, trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu, HSBO đã sáng kiến ra một cách bán vé mới rất thiết thực và hữu hiệu cho chương trình múa đương đại Mái nhà - The Roof của biên đạo Bùi Ngọc Quân, người đã làm việc nhiều năm ở các đoàn múa nổi tiếng nhất châu Âu: Mở workshop cho những người thích chụp ảnh và mời thành viên của một diễn đàn lớn về ảnh tham gia.
Với mức phí tham gia rất “tượng trưng”, chỉ 100.000 đồng/người, nhưng workshop đã rất hiệu quả trong việc chiêu mộ thêm công chúng cho múa đương đại. Những người tham gia, vốn xuất thân từ mọi ngành nghề, vị trí xã hội, sau khi chụp được những bức ảnh đẹp đã mê mẩn với vở diễn và các diễn viên, họ đăng ảnh lên trang cá nhân, chia sẻ những dòng cảm xúc khi được chứng kiến một buổi tập múa, vậy là bạn bè của họ đua nhau mua vé để xem buổi diễn chính thức. Một công mà được nhiều việc.
Tuy nhiên, như nhiều người đã và đang lặn lội trong ngành tổ chức biểu diễn nói: Thị trường tổ chức biểu diễn chẳng có quy luật nào, chương trình này thắng nhưng chưa chắc chương trình sau đã theo chân được.
Ví dụ rất sát sườn minh chứng cho nhận xét này: Đêm diễn của ban nhạc Michael Learns To Rock cuối tháng 7 vừa rồi, cũng của người đã bán vé gọi tài trợ thành công chương trình Richard Clayderman, chỉ bán hết chưa đầy một nửa số vé và không có một nhà tài trợ nào!
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần