Ca khúc "Nối vòng tay lớn" của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy âm nhạc cho học sinh lớp 9 và từng được biểu diễn trong nhiều chương trình. Ảnh TL.
Theo đó, văn bản nêu rõ, xét đề nghị kèm hồ sơ ngày 28/3/2017 của Trường Đại học Y dược Huế về việc cấp giấy phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975; Căn cứ Biên bản thẩm định của Hội đồng nghệ thuật ngày 11/4/2017 và Đề nghị của Trưởng phòng Quản lý Băng đĩa, ca khúc “Nối vòng tay lớn” - tác giả Trịnh Công Sơn sáng tác trước năm 1975, được phép phố biến trên toàn quốc.
Văn bản yêu cầu trường Đại học Y dược Huế và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện đúng nội dung giấy phép và các quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; Nghị định 15 (Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP; Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016, Thông tư số 10/2016/TT- BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, thông tin đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” kỷ niệm 16 năm mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn do gia đình phối hợp với trường Đại học Y dược Huế dự định tổ chức vào đêm 21/4 đã gặp trcục trặc khi 4 ca khúc trong chương trình gồm: “Nối vòng tay lớn”, “Ca dao mẹ”, “Huế - Sài Gòn – Hà Nội”, “Đêm thấy ta là thác đổ” chưa được cấp phép phổ biến.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD cho biết, Cục đã nhận được thông tin về đêm nhạc trên và phía trường Đại học Y dược Huế cũng đã gửi hồ sơ xin cấp phép 1 ca khúc sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là “Nối vòng tay lớn”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng, hồ sơ trên thiếu sự xác nhận của chủ sở hữu hoặc người đại diện cho chủ sở hữu của tác phẩm xin cấp phép. Vì thế Cục chưa có đủ cơ sở pháp lý để cấp phép lưu hành ca khúc này.
Giải thích lý do vì sao ca khúc “Nối vòng tay lớn” là một ca khúc nổi tiếng đã được cất lên trong nhiều chương trình âm nhạc lớn và đã được nhiều nghệ sỹ thu âm - phát hành băng đĩa nhưng bây giờ lại cấm, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết, trước kia chưa có Nghị định 15 (Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) thì các Sở có thể chủ động cấp phép cho các ca khúc theo quy chế 32 và quy chế 47 về hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tuy nhiên sau khi Nghị định 15 ra đời, trong đó sửa đổi rất nhiều nội dung liên quan đến quyền tác giả thì việc cấp phép lưu hành các ca khúc đặc biệt chú trọng đến yếu tố phải có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu tác phẩm.
Đại diện Cục NTBD xác nhận đến thời điểm này, cả 4 ca khúc trên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều chưa có cá nhân hay đơn vị nào đứng ra xin cấp phép nên Cục chưa có cơ sở nào để cấp phép phổ biến rộng rãi các ca khúc này.
Về phía gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sỹ bày tỏ rằng, tất cả các thành viên không hề biết chuyện 4 ca khúc kể trên chưa hề được Cục NTBD cấp phép phổ biến và lưu hành, đặc biệt là ca khúc “Nối vòng tay lớn”.
Theo bà Trịnh Vĩnh Trinh, trong đêm nhạc kỷ niệm 16 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở đường sách TP.HCM hôm 1/4, gia đình được Sở VH-TT TP.HCM cấp phép biểu diễn hơn 40 bài trong đó có Nối vòng tay lớn và Đêm thấy ta là thác đổ. Vì lẽ đó, bà Trinh boăn khoăn chuyện Cục không cấp phép cho những ca khúc này được biểu diễn trong đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” ở Huế.
Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sỹ và người yêu nhạc cũng bày tỏ sự thắc mắc trước lệnh cấm này. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, việc cấm “Nối vòng tay lớn” là một việc làm khó hiểu.
Hà Tùng Long