Nhạc sĩ Anh Quân: “Tặc lưỡi suốt ngày có mà chết!”
“Nhạc nào ra tới thị trường mà chả là nhạc thị trường. Mà thị trường mình nhiều khi cũng vô lý lắm. Luôn miệng hỏi khó: “Sao? Có gì mới không?”, tới lúc nghe, lại chỉ muốn nghe bài quen, bài cũ...” - Nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ, trước đêm nhạc mà anh đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc: “5 giọng ca vàng - Nhớ thu Hà Nội” (4 diva và Mỹ Tâm, dự kiến diễn ra vào ngày 12.8 tới, tại Cung Văn hóa Hữu Nghị).
Khái niệm “nhạc thị trường” chắc chỉ có ở Việt Nam
Không hẹn mà cùng, liên tiếp hai đêm nhạc lớn tại Hà Nội đều hội đủ 4 diva (live show Tùng Dương vào tháng 9 tới cũng chọn 4 diva làm khách mời). “4 trong 1” theo anh có phải là cách làm mới các giọng ca lâu năm?
- Tôi thì không được biết về những khách mời của show Tùng Dương, nhưng đêm nhạc 4 diva thì năm ngoái tôi cũng từng thực hiện, trên vai trò giám đốc âm nhạc. Năm nay thì có thêm Mỹ Tâm - lần đầu tiên hát với cùng lúc 4 diva, để khán giả vừa được gặp lại 4 diva, lại được thấy thêm những phép kết hợp mới.
Thật ra thì từ lâu, nhiều nhà tổ chức cũng đã muốn mời đủ “bộ tứ” này nhưng hẳn là một phần vì lúc ấy mỗi người đều quá bận rộn theo đuổi các dự án riêng; phần nữa có thể là vì trước đây, cá tính của từng người có một độ vênh nhất định. Giờ thì các cô ấy đều đã là những người phụ nữ trưởng thành, có thể dễ bề “chấp nhận” cá tính, phong cách của nhau hơn...
Cụ thể, 4 diva sẽ được làm mới ra sao, giữa hai phiên bản 2016 và 2017? Một đêm nhạc 4 người mà ai cũng là... chính, thì là dễ hay khó, với giám đốc âm nhạc?
- Dễ thì dễ mà khó cũng rất khó. Dễ, vì cô nào cũng có nhiều bài hay, được đóng đinh bằng cá tính âm nhạc của từng người, nhưng lại khó ở chỗ là khán giả lại chủ yếu thích nghe lại những bài cũ đó của họ, nên việc đưa vào các ca khúc mới, hay thay bằng các bản phối mới với liều lượng, gia giảm ra sao là cũng phải tính kỹ.
Nếu như đêm nhạc 4 diva năm ngoái là nhằm tái hiện lại chặng đường mà mỗi người đã đi qua, kể từ lúc mới nổi cho đến lúc đứng ở đỉnh cao, thì sang năm nay, sẽ là nhấn mạnh vào cách họ làm mới mình và trụ hạng, kể từ lúc gắn liền với danh xưng diva, trong sự giao hòa với một ca sĩ lớp sau, là đỉnh cao của một dòng nhạc khác.
Các nhạc sĩ và nhà sản xuất phía Bắc thường có tiếng là “bảo thủ”, không dễ gì cởi mở với các ca sĩ thuộc dòng nhạc thị trường, kể cả khi họ đã chiếm giữ vị trí số 1. Nhưng với việc nhạc sĩ Quốc Trung cho mời... Hoàng Thùy Linh, Tóc Tiên tới Monsoon 2015, và Anh Quân xếp Mỹ Tâm “cùng chiếu” với 4 diva, có thể xem đấy là một thay đổi theo hướng cởi mở?
- Thật ra thì ý tưởng “4+1” này là của nhà tổ chức và ở đây tôi chỉ đơn giản là thỏa mãn một “đơn đặt hàng” (dĩ nhiên cũng phải là một “đơn đặt hàng” thuyết phục). Nhưng tôi trước giờ quả thật cũng chưa bao giờ tự trao cho mình cái quyền được “xếp chiếu” cho ai cả. Cũng chưa bao giờ phân biệt nhạc chính thống hay nhạc thị trường. Theo tôi, nhạc nào được khán giả và thị trường thừa nhận thì cũng là đều nhạc chính thống cả, và nhạc nào ra đến thị trường, cùng đều bán đĩa bán vé... thì cũng đều là nhạc thị trường hết. Khái niệm nhạc thị trường theo tôi là một khái niệm buồn cười hết sức, chắc chỉ có ở Việt Nam ta mà thôi.
“Tôi bảo thủ. Nhưng không xa rời thị trường”
Có nhận định rằng: Trong số 4 diva, thì diva “út” Hà Trần xem ra là người có ý tưởng tìm tòi, cách tân mãnh liệt hơn cả, dù thị trường hải ngoại không khuyến khích cái mới. Tạm quên mình là “người nhà” của 1 trong 4 diva, anh có thể thẳng thắn?
- Cũng như nhiều đồng nghiệp, tôi luôn đánh giá cao Hà Trần về sự thông minh và ý chí sáng tạo của cô ấy. Một nghệ sĩ mà xuất phát điểm không phải được “trời phú” cho nhiều thứ, nhưng đã luôn biết tận dụng và phát huy hết mọi khả năng và cơ hội của mình để sớm có được chỗ đứng ngang hàng với các diva đàn chị. Có những điều Hà Trần phải học hỏi các chị, nhưng cũng có những điều các chị cần học hỏi Hà Trần. Đó là một lẽ rất tự nhiên trong nghề này.
Làm mới là cần thiết, thậm chí còn là sống còn trong nghệ thuật. Nhưng tôi không nghĩ rằng, đang đứng ở dòng nhạc này rồi tự dưng nhảy phắt qua dòng nhạc khác, hay thêm tý mắm tý muối thì gọi là làm mới. Làm mới theo tôi không đơn giản là bằng chất liệu. Nó cũng giống như một tay đua công thức năm nay đi xe hãng này, năm sau chuyển qua hãng khác; hay một vận động viên tennis thay một cây vợt mới, thì điều đó sẽ giúp họ lên hạng - không phải! Chuyển nhà khác, tân trang một cái nhà khác.
Chưa kể, thị trường mình nhiều khi cũng vô lý lắm: Luôn miệng hỏi khó: “Sao? Có gì mới không?”, tới lúc nghe, lại chỉ muốn nghe bài quen, bài cũ, người người hát bolero, nhà nhà nghe bolero... Hỏi, cứ như chỉ để sướng mồm, vui tai vậy thôi! Nếu cái gì cũng “lượng hóa”, bóc tách được ra như thế thì đã là khoa học rồi, chứ đâu còn là nghệ thuật nữa!
Nếu có thể, đừng để nghệ sĩ bị áp lực quá bởi cái mới. Mà ở ta, cái mới nhiều khi không theo một cái chuẩn nào cả, thậm chí còn là lập lờ, đánh tráo khái niệm. Tốt nhất, hãy để họ được áp lực bởi cái hay. Mới chưa chắc đã hay; nhưng hay, chắc chắn là đáng giá hơn bất kỳ một khái niệm nào khác. Nhạc cổ điển thì mới vào đâu, nhưng vì sao tới giờ, nó vẫn đứng sừng sững ở đó?
|
Nhạc sĩ Anh Quân đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc đêm nhạc “5 giọng ca vàng - Nhớ thu Hà Nội” |
Nhiều tên tuổi lớn của làng nhạc phía Bắc mà gần đây tôi có dịp hỏi chuyện đều nói rằng: Giờ là thời của liveshow, hơn là sản phẩm từ phòng thu. Một người đắm đuối với phòng thu như anh sẽ nói gì?
- Tôi thì vẫn luôn coi trọng sản phẩm phòng thu. Đúng là đĩa lúc này không phải để kiếm tiền mà phải là live show. Nhưng một ca sĩ muốn có một live show hay, theo tôi, không thể thiếu một đĩa nhạc hay được. Vì cái đĩa ấy, nó là “gốc của vấn đề”, nó như là kịch bản của một bộ phim vậy, một thứ “của nhà giồng được” và mới chính là sản phẩm “để đời” của một nghệ sĩ. Trước giờ, những chương trình tử tế nhất của Mỹ Linh đều được bắt đầu từ một cái đĩa. Cái đĩa ấy được đón nhận, thì live show ấy mới thành công. Muốn gì thì gì, trước tiên cần có một phép thử.
Hồi Anh Em mới về nước và đồng hành cùng Mỹ Linh, đã có nhận định: Huy Tuấn có tư duy thị trường hơn Anh Quân, vì Anh Quân hơi “bảo thủ”. Nhận định đó tới lúc này còn đúng, theo anh?
- Tôi vẫn bảo thủ. Nhưng không xa rời thị trường. Bảo thủ ở chỗ: Tôi gần như không bao giờ tặc lưỡi để đành lòng làm ra những sản phẩm quấy quá, “đập búa lấy dấu”, và nếu có lúc nào đó trót tặc lưỡi, thì sẽ phải áy náy hàng năm trời.
Hồi giờ, liệu anh tặc lưỡi mấy lần rồi?
- Cũng may, ít. Tặc lưỡi suốt ngày có mà chết!
Xin cảm ơn anh!
Lượt xem: 1542
( theo
Lao động ) -
Thứ ba, 08/08/2017, 10:19 GMT+7