Đang tải dữ liệu ...


Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn: “Tôi đặc nhà quê trong vấn đề giăng gió”

Tràn ngập biết ơn khi nói về người vợ “chả giống ai” của mình, tay saxophone điệu nghệ tự nhận mình “đặc nhà quê trong vấn đề giăng gió”. Một cuộc trò chuyện thú vị với một “gã yêu vợ”, nhân dịp anh ra Hà Nội chuẩn bị cho đêm nhạc “Tình khúc cho em” - món quà dành tặng phụ nữ nhân dịp 20.10 tới, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

“Chọn đúng rồi nên không có nhu cầu sửa sai”

Rất nhiều trong số những nhạc phẩm anh lựa chọn thể hiện là “tình khúc cho... chị em” (Hạ trắng, Huyền thoại mẹ, Chị tôi...), vì sao?

- Thường thì tiêu chí lựa chọn của Tuấn là những tác phẩm đã tạo được dấu ấn đậm nét và được sàng lọc qua thời gian, hơn là những nhạc phẩm thời thượng. Trong số đó dĩ nhiên có không ít tác phẩm ca ngợi người phụ nữ. Phụ nữ vốn đã luôn là đặc biệt đối với mỗi chúng ta, khi họ là bà, là mẹ, là chị, là vợ... của ta. Riêng với Tuấn thì đó luôn là những rung cảm mạnh nhất, khi đời Tuấn phải nói là gắn bó hết sức và tràn ngập biết ơn với những người phụ nữ đặc biệt của mình.

Đó là...?

- Ngày nhỏ, Tuấn sống với chị gái, chị săn sóc Tuấn không khác gì một người mẹ. Chính chị gái và anh rể là người đầu tiên hướng niềm đam mê của Tuấn tới saxophone, cũng chính anh chị là người đã chắt bóp dành dụm mua tặng Tuấn cây kèn đầu tiên. Nhưng để cây kèn ấy tới được công chúng và ở lại cho đến tận hôm nay, còn một người phụ nữ nữa mà mình đặc biệt hàm ơn, đó là vợ mình. Hiếm có người phụ nữ nào mà con vừa mới 27 ngày tuổi đã đồng ý cho chồng đi du học, xa nhà đằng đẵng mấy năm trời, lúc kinh tế gia đình còn chưa lấy gì làm xông xênh, tổ ấm ban đầu chỉ vẻn vẹn 20m2... Trần Mạnh Tuấn có được ngày hôm nay, không thể không hàm ơn sự hy sinh đầy thông minh đó của vợ mình...

Đức hy sinh từng được đánh giá là một “đặc sản” của phụ nữ Việt. Nhưng không ít trong số đó lại bị cho là lạc hậu và thiếu tỉnh táo. Thế nào là một sự hy sinh thông minh?

- Đã gọi là hy sinh thì thường người ta không tính đến chuyện cho đi và nhận lại. Nhưng một sự hy sinh thông minh thì sẽ sớm nhận thấy điều đó sẽ giúp mang lại giá trị gì về lâu về dài cho người nhận được từ mình món quà ấy.

Ở thời điểm tôi “khăn gói quả mướp” sang Mỹ học (trường âm nhạc danh tiếng Berklee - PV), ngay cả dân trong nghề không phải ai cũng sớm ý thức về việc ra ngoài để mở mang, vậy mà một kẻ ngoại đạo như cô ấy lại rất lấy làm sốt sắng về điều đó và sẵn sàng chấp nhận hy sinh để chồng có được nền móng vững chãi nhất.

Thật ra lúc ấy chỉ cần cô ấy bảo đừng đi, chắc chắn tôi cũng sẽ không có đủ dũng khí ra đi. Có một kỷ niệm mà tận tới giờ tôi vẫn cảm thấy xúc động và không nguôi nể phục khi nhớ đến. Ấy là cái lần căn nhà nhỏ ở con phố cổ Tạ Hiện của chúng tôi không may bị cháy trụi, đúng lúc tôi đang đi học xa nhà, cô ấy thì một nách con nhỏ, vậy mà cô ấy không mảy may cho tôi biết, để tôi yên tâm học hành. Một sự rắn rỏi, lì lợm khiến chồng cô ấy luôn cảm thấy có một đã là quá đủ, để luôn là cái tay “đặc nhà quê” trong vấn đề giăng gió (cười).

Và lại còn hẳn hoi là một trang nhan sắc của phố cổ Hà thành?

- Ờ thì, đó có thể cũng là một may mắn của Tuấn, mà mình thì là cái thằng thiếu đủ thứ: Mắt bị hỏng một bên, thận hư tiệt 2 quả... (cười). Thật ra là may đấy, mà không ngoại trừ cũng có thể là khôn. Ngày ấy nói thật là cũng đi đứng nhiều, trót ưa cô này cô nọ, có những cô còn có gia thế, tiếng tăm hơn chứ, nhưng tới khi chọn vợ, lại chỉ muốn chọn cái cô khiến mình rung động nhất. Đến bây giờ có thể tạm gọi là đúng, nên không hề có nhu cầu sửa sai (cười).

Phụ nữ có rất nhiều kiểu “mạnh”!

Thừa hưởng từ bố tiếng kèn saxophone, An Trần - “con gái rượu” và là bạn diễn của anh liệu có học được từ mẹ sự rắn rỏi?

- Mình nghĩ là chưa. Tụi trẻ bây giờ, dở nhất là khi chúng lớn lên, thì mọi thứ tốt đẹp đã bày ra trước mắt: Nhà rộng, trường tốt, tiện nghi nọ kia.., không phải chứng kiến sự vất vả mà bố mẹ chúng đã phải trải qua để có được ngày hôm nay. Giờ các con có thể cập nhật và nắm bắt mọi thứ rất nhanh: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lái xe..., duy kỹ năng sinh tồn và chiến đấu một cách mềm mại, uyển chuyển thì Tuấn e là còn thiếu và yếu. Tuấn đang hy vọng 2 năm nữa khi cháu qua Mỹ học (cũng tại ngôi trường bố cháu từng học), môi trường sống và đào tạo bên đó sẽ giúp cháu rèn luyện tốt hơn ý thức tự lập...

Anh không thấy típ phụ nữ mạnh mẽ tháo vát thường khó tìm được cho mình một bờ vai đủ mạnh sao?

- Không, Tuấn không thấy thế. Phụ nữ có nhiều kiểu “mạnh” lắm. Có cái mạnh dành cho xã hội, lại có cái mạnh dành cho gia đình. Mạnh hay không mạnh, không thể bằng mắt thường mà đánh giá được. Một cái nhà rộng hay chật, nhiều khi không phụ thuộc vào mét vuông, mà là cái nó đựng trong đó. Nhiều tay triệu phú, ôm cả đống tiền về nhà, đã chắc gì là một bờ vai đủ mạnh. Hay đầy ông đầy bà ăn sóng nói gió, lãnh đạo cả trăm nghìn người, khi về tới nhà lại không “cầm cương” nổi vợ/chồng mình. Hay như vợ Tuấn, bình thường thì đâu có gì đặc biệt đâu, nhưng khi có chuyện thì mạnh mẽ khác người...

Cái đáng giá nhất trong cuộc đời, theo Tuấn, không phải là chuyện có thể sống dựa vào một kẻ mạnh, mà là có thể sẻ chia được nhiều nhất với ai về đời sống. Vợ Tuấn là người có thể đọc thuộc tất cả các quyển kinh vì cô ấy tụng kinh mỗi ngày, chính sự am hiểu về Phật pháp và chia sẻ kinh nghiệm sống của cô ấy đã giúp Tuấn giảm được rất nhiều stress và thăng hoa hơn trong công việc.

Vậy anh nghĩ sao về bài “thuyết trình” gây sốc mới đây của Ngọc Trinh, khi cô ấy đề cập đến chuyện... “xin tiền bạn trai” - một trong ba phương án để giúp một cô gái trẻ đẹp, con nhà nghèo có thể mua được nhà tiền tỉ?

- Chẳng cứ Ngọc Trinh mà nhiều cô bây giờ cũng chọn cách đấy - trên thực tế là vậy. Có điều là có nói ra hay không mà thôi. Thường thì tôi tránh bình luận về cách sống của người khác. Nhưng về cách nói, một khi ở dạng chia sẻ trước đám đông và ít nhiều gây nên một sự ảnh hưởng nhất định, thì tôi nghĩ là chúng ta, và nhất là phụ nữ phương Đông, nên cân nhắc kỹ hơn một chút, xem có nhất thiết và phù hợp cho lắm hay không, với văn cảnh chung... Trước đám đông và người lạ, sự chia sẻ theo tôi nên chăng là có chừng mực và hạn mực của nó, có những điều tốt nhất nên cất giữ riêng trong lòng, tự mình, và một ai đó biết, là đủ...

Khoảnh khắc nào khiến anh xúc động nhất trong cuốn phim về gia đình mình?

- Nhiều năm nay, nhà Tuấn duy trì một “tập quán”, đều như vắt chanh, ngày nào cũng như ngày nào: Cứ sáng ra, đúng 6h30, trừ An Trần phải đến trường sớm, còn cả nhà sẽ quây quần trong một căn phòng đẹp để luyện khí công, học cách thở đều, sống chậm. Ấy là khoảnh khắc luôn khiến Tuấn cảm thấy yêu gia đình và đời sống này kỳ lạ, để mọi thứ phiền nhiễu hay cám dỗ bên ngoài đều không chạm được vào mình...

Nếu được dành cho phụ nữ một lời chúc trước thềm 20.10, anh sẽ nói gì?

- Đừng chỉ nghĩ đàn ông mới là bờ vai của phụ nữ, mà đôi khi còn là ngược lại. Chính các bạn mới là phái mạnh, khi luôn đủ sức làm cho đời sống này trở nên tươi tắn hơn, mềm mại hơn và ý nhị hơn...

Xin cảm ơn anh!

THỦY NGUYÊN

Lượt xem: 1157
( theo Lao động ) - Thứ hai, 16/10/2017, 10:51 GMT+7
Tin mới nhất:
Các tin khác:
1 - Từ khóa
2 - Thành phố - Địa điểm
3 - Thời gian
Từ ngày
Đến ngày
4 - Trạng thái
Đối tác – Khách hàng