Sau 4 năm vắng bóng kể từ khi phát hành album vol 8, mới đây Mỹ Tâm đã hé lộ về kế hoạch trở lại trong album vol 9 khiến người hâm mộ đứng ngồi không yên. Nữ ca sĩ cũng đã tuyên bố sẽ không phát hành album trên các trang nghe nhạc online miễn phí mà khuyến khích các khán giả của mình mua album DVD. Có thể nói trong rừng sao Việt, Mỹ Tâm đã trở thành nghệ sĩ đầu tiên có những hành động kiên quyết đến thế để bảo vệ bản quyền âm nhạc đến cùng.
Ca sĩ đầu tiên tự dành được tác quyền biểu diễn với trị giá gần 1 tỉ đồng
Cuối tháng 8/2009, phía công ty của Mỹ Tâm đã gửi văn bản đến Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và một số công ty dịch vụ viễn thông, mạng điện thoại di động để thông báo việc "thanh toán thù lao quyền liên quan". Trong văn bản, ca sĩ Mỹ Tâm cho rằng nhiều đơn vị sử dụng quyền liên quan (tức quyền của người biểu diễn trong các bản ghi âm, ghi hình, gọi tắt là quyền của người biểu diễn) của cô trong các dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ và một số dịch vụ khác để kinh doanh thương mại.
Chia sẻ về sự việc lần đầu tiên xảy ra trong V-pop này, "Họa mi tóc nâu" từng nói: "Tâm tin là mình làm đúng. Và Tâm nghĩ những điều gì đúng thì nên làm, hơn nữa mình cũng đòi hỏi quyền lợi chính đáng thôi. Đúng là việc gì cũng có những trở ngại nhất định, vì ai cũng có cái lý của mình. Tâm thấy phải bình tĩnh để giải quyết từng bước và đưa ra những lý lẽ cũng như bằng chứng thuyết phục, để các đơn vị đó thấy được họ không đúng ở những điểm nào".
Sau một thời gian thảo luận và đàm phán, tất cả các đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ đã đồng ý trả tiền cho ca sĩ Mỹ Tâm với tư cách là "người biểu diễn". Chỉ riêng bài Nhớ, công ty Biển Xanh đã phải trả cho Mỹ Tâm tới 99 triệu đồng. Công ty Vietel đề nghị bồi thường cho Mỹ Tâm 1000đ/1 bài hát/lượt tải mà cô sáng tác và biểu diễn, và 500đ cho một bài hát Mỹ Tâm biểu diễn.
Phía Mỹ Tâm cũng lấy quy chuẩn này để đòi bồi thường từ rất nhiều công ty nhạc chuông "xài chùa" khác. Số tiền Mỹ Tâm thu được từ tác quyền biểu diễn khoảng gần 1 tỷ đồng. Số tiền này cũng đã được Mỹ Tâm chuyển hết về quỹ từ thiện của riêng cô và fanclub để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Sao Việt đầu tiên "bắt tay" với Youtube
Tháng 8/2012, Mỹ Tâm đã có dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình khi ký hợp đồng Youtube và trở thành nghệ sĩ Việt đầu tiên có kênh Youtube chính thức. Để có thể là một đối tác chính thức của Youtube, các cá nhân hay tập thể phải đảm bảo khá nhiều yêu cầu gắt gao như: video clip phải do chính mình tạo ra, có chất lượng, phải thường xuyên update clip và đặc biệt là các clip phải thu hút lượt view cũng như số subscriber (người đăng kí theo dõi) vào loại cao. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là việc video clip của bạn phải chứng minh được chủ sở hữu bản quyền âm nhạc, hình ảnh hợp pháp.
Việc bản quyền âm nhạc ở Việt Nam hiện tại vẫn đang khá rối ren và chưa được xem trọng, chính vì thế để có thể làm việc với Youtube, bắt buộc cá nhân hay tập thể phải giải quyết được vấn đề này. Và sau một thời gian làm việc, Mỹ Tâm đã chính thức hoàn thành tất cả "thủ tục" kể trên để trở thành đối tác chính thức của Youtube.
Cái bắt tay này đã đánh dấu sự chuyên nghiệp hoá hơn trong đường đi của Mỹ Tâm và ekip. Sau khi kí hợp đồng với Youtube, Mỹ Tâm sẽ được bảo hộ bản quyền âm nhạc trên trang web uy tín này. Sau Mỹ Tâm, hàng loạt nghệ sĩ Việt mới để ý nhiều đến những quyền lợi thu từ quảng cáo khi kí hợp đồng và có kênh Youtube riêng. Đây là việc làm mà nghệ sĩ ở các nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến nhất đều áp dụng từ rất lâu để thu về quyền lợi của mình trên trang xem video miễn phí lớn nhất thế giới.
Yêu cầu rút khỏi các trang nhạc online không trả tiền tác quyền
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet trong suốt thời gian qua, hàng loạt trang nghe nhạc trực tuyến xuất hiện và cho đăng tải rất nhiều ca khúc, kể cả những sản phẩm vừa xuất hiện trên kệ đĩa của nghệ sĩ. Trong khi các đơn vị đăng tải nhạc nhét túi khá nhiều tiền quảng cáo thì ca sĩ lại gần như không thu được gì, mà một lượng lớn chấp nhận đổi lại "quyền lợi" là được xuất hiện trên các trang nhạc này để quảng bá sản phẩm của mình đến khán giả. Tuy nhiên Mỹ Tâm lại không nghĩ vậy, với vị trí và sức hút của mình, nữ ca sĩ quyết định thay đổi suy nghĩ này bằng việc yêu cầu các trang nhạc trực tuyến phải trả phí theo lượt nghe, lượt tải nếu muốn chia sẻ sản phẩm của cô.
Mới đây, trước thềm phát hành album vol 9, Mỹ Tâm đã có những chia sẻ về vấn đề bảo vệ chất xám khỏi việc bị copy, xâm hại: "Hiện tại đang có nhiều trang nhạc online rất muốn đăng tải album của tôi nhưng tôi vẫn đang cân nhắc về cách thức hợp tác. Nếu trường hợp không hợp tác với trang nào thì bên công ty tôi sẽ kết hợp với một vài đơn vị bảo vệ bản quyền để kiểm tra, nếu thấy đăng album lậu thì sẽ nhắc nhở để tháo gỡ, còn nếu vẫn tái phạm thì có lẽ công ty sẽ khởi kiện."
Có thể nói tại Việt Nam, Mỹ Tâm là nghệ sĩ đi tiên phong trong việc bảo vệ bản quyền âm nhạc. Nữ ca sĩ bày tỏ thái độ kiên quyết trước việc các sản phẩm âm nhạc của mình bị "xài chùa": "Bản thân tôi thấy các trang nhạc online Việt Nam hiện tại không coi trọng bản quyền của nghệ sĩ. Tôi rất buồn khi phải chứng kiến điều này khi mình đang sống trong thời đại văn minh. Vì vậy tôi chấp nhận là người duy nhất đứng ngoài việc này chứ không đồng tình đi theo cái sai được dù có thế nào."
Tạm kết
Một phần lý do quan trọng để nền âm nhạc quốc tế phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn mỗi ngày chính là nhờ bản quyền âm nhạc được bảo vệ một cách chặt chẽ, những thành quả lao động nghệ thuật nghiêm túc của bất kì nghệ sĩ nào cũng xứng đáng được tôn trọng bởi cả cộng đồng. Hành trình bảo vệ bản quyền âm nhạc và lan tỏa ý thức nghe nhạc một cách văn minh cho khán giả Việt, có lẽ sẽ còn là một hành trình rất dài và nhiều gian nan không chỉ với riêng Mỹ Tâm, mà với tất cả các nghệ sĩ nói chung. Dù vậy, chúng ta luôn cần một người tiên phong đi trước thật mạnh mẽ và kiên quyết như Mỹ Tâm để khởi đầu cho một tương lai phát triển tốt đẹp hơn của nền âm nhạc nước nhà.