Chat với Mozart 2 gợi một không gian rất cân đối, điềm tĩnh. Khi viết lời cho các bài trong album chị có cảm giác mình đang đi chầm chậm, đi nắn nót không?
- Diva Mỹ Linh: Cái đấy thì có - cảm giác đi bình tĩnh. Vì thực ra tôi đang ở lứa tuổi chuyển giao. Có người nói đây là tuổi đẹp nhất cuộc đời. Ở tuổi đó, mình không còn ngây thơ, nhưng cũng chưa già đến mức cảm thấy cuộc sống không còn gì để vui. Nếu mình thực sự cảm nhận thì tuổi nào cũng bất ngờ, đáng yêu.
Khi chị viết, có lời ca nào bắt nguồn từ câu chuyện rất cụ thể không. Lời ca đã đến như thế nào?
- Tôi nghe nhạc, sau đó tưởng tượng ra câu chuyện. Nó hoàn toàn theo trí tưởng tượng của mình chứ không lấy theo một cái nguyên gốc nào. Ví dụ khi bản nhạc của Bach ngân nga, tự nhiên phần violon xen vào rất buồn, thì tôi nghĩ ngay tới mùa đông. Đó là ý đầu tiên. Rồi tôi lại nghĩ đến những lúc mùa đông mình đi trên đường. Bạn có bao giờ đi đón con không, Khi đón con có những người ngày nào mình cũng gặp, cũng nhìn. Mình không biết tên người ta nhưng rõ ràng là quen, mình không biết gì về người ta nhưng ngày nào cũng gặp. Nên tôi viết: ‘’Ôi sớm hôm nay khi mùa đông quay về trên đường, phố như vội vàng hơn từng chuyến xe qua, em dựa vào vầng ngực anh này‘’. Tức là ngoài phố vẫn như thế, nhưng mình ngồi ở một góc phố và thấy vững chãi bên một bờ vai mình thấy rất ấm áp. Sau đó tôi viết “Nhìn hàng cây góc phố vào đông, người qua rất vội và em có anh, có ngày yên ắng, có bờ vai ấm áp nơi ta giữa những dịu dàng để dành cho nhau”. Nó giống như có những tình cảm mình biết sẽ chỉ dừng lại ở đó thôi. Giống như người đi qua đường, đi qua nhau vô tình, ngẩng lên có biết từng biết nhau, sau đó mình lại đi con đường của mình, họ lại đi con đường của họ… Tức là khi nghe nhạc tôi sẽ tự cảm nhận ra câu chuyện đấy, rồi tôi tự nói lên những suy nghĩ của mình.
Mỗi bài hát là một câu chuyện nhỏ rất gắn kết trong tổng thể Chat với Mozart 2. Chị có cần cố gắng để giữ mạch liên kết giữa các bài hát không?
-Tôi không cố gắng. Cái khó nhất là làm sao viết cho dung dị nhát. Có người sa vào việc viết cho thật văn chương. Tôi biết nếu mình định viết kiểu văn chương thì không bằng ai. Nên không khéo nói thì mình nói thật. Nhưng nói thật sao để nó không thô. Nói thật ở mức người ta có thể cảm nhận được. Cuối cùng vẫn là cảm xúc.
Chị có thấy kiệt sức sau khi viết xong lời cho Chat với Mozart 2 không?
-Kiệt sức thì không. Nhưng mà có những lời bài hát mà càng nghe đi nghe lại càng thấy cảm. Nó mang dấu ấn cá nhân của mình. Các bài hát đều có câu chuyện, dù thoáng qua cũng làm mình xúc động. Có lẽ ai cũng một lần trải qua. Ở tuổi chuyển giao thế này mình dễ xúc động lắm. Nhiều khi chỉ một buổi sáng cũng làm mình có nhiều cảm xúc, để thấy cuộc sống rất đáng yêu.
Dù đã chọn những nhạc sĩ của thời kỳ muộn hơn Chat với Mozart 1, tinh thần cổ điển ở Chat với Mozart lần này có lẽ còn dày hơn. Trong hai album, lần nào chị thấy được thả lỏng hơn?
-Thực ra bài hát vang lên thế nào lại do anh Anh Quân. Tôi chỉ là người hát trong đó thôi, và tôi hát trong khuôn khổ của người phối khí.
Lần này tôi thấy thả lỏng hơn dù những bài hát khó. Nó không được sôi. Nó nhẹ nhành thoang thoảng thì không thể hát sôi nó lên được. Nhưng nó cũng không được ỉu. Hát thế nào để cho vừa. Từ vừa rất khó. Hát những bài cao trào mãnh liệt không khó. Hát bài cao trào mãnh liệt cũng không phải khó. Những bài hân hoan phấn khởi, cái gì đạt đến đỉnh điểm không khó bằng hát trạng thái thanh thản nhẹ nhàng nhưng nghe được lâu. Tôi hy vọng đĩa này người ta nghe được lâu, mỗi lần nghe lại lại có một nghĩa mới.
Việc dạy ở trường Young hit Young bit giúp chị điều gì trong dự án này?
Hồi làm Chat với Mozart 1, tôi đến chỗ cô Diệu Thúy luyện mỗi ngày. Trước mỗi lần thu 1 bài đều luyện rất lâu. Nhưng từ ngày mở trường dạy nhạc thôi thấy tri thức có nhiều tầng. Mình học ở tầng thứ nhất. Minh thực hành ở tầng thứ hai. Khi mình đi dạy có thể tổng hợp lại để dạy người khác thì nó thuộc về mình hoàn toàn. Hiện giờ tri thức nghề của tôi đang ở trong tầng đó, tôi nắm hoàn toàn và có thể truyền cho người khác. Thế nên tôi nắm nó một cách thấu đáo.
Cả album này tôi muốn hát nó giản dị nhất. Khó đấy. Nó đòi hỏi nội lực, sự kiềm chế, sự hiểu biết chung về xã hội chứ không chỉ về thanh nhạc đâu. Bởi vì khi nào hiểu cuộc sống thì mới biết nó cần giản dị, nhưng biết rồi thì vẫn phải làm nào để truyền nó lại. Đó là sự giản dị của người đã rất dụng công. Như một đồ vật rất im, rất bình tĩnh nhưng thực ra đạt đến cái im đó phải kỹ lắm.
Chị có một giọng ca đẹp bền bỉ. Chồng chị rất hiểu chị trong công việc, trong đời sống. Các con chị ngoan và chia sẻ công việc của bố mẹ. Chị có cảm giác day dứt bao giờ không. Làm một ngôi sao hạng A có khó không?
-Tôi không biết người khác day dứt thế nào, nhưng tôi thì luôn lạc quan. Tôi không đòi hỏi nhất nhất mọi thứ theo ý mình. Tôi khá dễ thích nghi. Cuộc sống dù thế nào tôi vẫn thấy góc nhìn tích cực để thấy đời rất được.
Tôi không bị sức ép giữ hình ảnh. Tôi cứ chính là tôi thôi. Khi không phải cố gắng thì không phải khó gì. Mình mềm mại thì đúng là mình mềm. Mình không thích trưng diện thì đúng là như thế.
Nhạc sĩ Anh Quân, người phối khí và sản xuất cho Chat với Mozart 2, cho biết Album vẫn giữ tinh thần của việc làm sao để nhạc cổ điển gần hơn với công chúng. Ở dự án lần này, các tác phẩm âm nhạc được chọn để phối khí và viết lời do nhạc sĩ Anh Quân chọn. Tiêu chí lựa chọn là âm nhạc của những nhạc sĩ cận hiện đại hơn, là nền móng của những dòng nhạc gần với mình bây giờ. “Trong số các tác giả âm nhạc lần này, chỉ có Bach là người quá kinh điển, là người buộc phải biết. Ông ấy khai sinh ra nhiều luật của nhạc cổ điển, gốc rễ kinh khủng. Các nhạc sĩ còn lại là những người xây nền tảng của nhạc mới bây giờ”, ông Quân nói.
13 năm sau kể từ Chat với Mozart 1, giờ đây Mỹ Linh lại có Chat với Mozart 2. Album gồm 9 bài này có tới 70% sự tham gia của ekip cũ từ Chat với Mozart 1. Đặc biệt, lần này 2 con gái của chị cũng tham gia ekip. Trong đó Anna Trương tham gia sản xuất, Mỹ Anh cùng hát. Bản thân Mỹ Linh cũng viết lời cho bài hát. Dàn kèn và dàn dây, nhóm background vocal cũng là niềm tự hào của dự án.
|