Đích thân Bằng Kiều đảm nhận nhiệm vụ biên tập âm nhạc cho liveshow, và đó cũng là điểm sáng của chương trình. Kéo dài hơn 2 tiếng theo một kết cấu khá tinh gọn, Câu chuyện Bằng Kiều được kể mạch lạc với cách lựa chọn khách mời đầy “dụng ý” và mở ra nhiều dòng hồi tưởng.
Song chiếu theo đúng ý nghĩa là một “câu chuyện” về chân dung Bằng Kiều, có lẽ hãy còn nhiều khoảng trống trong mạch truyện của Bằng Kiều khiến khán giả vẫn còn đôi chút “thòm thèm”.
Một câu chuyện “không chỉ riêng Bằng Kiều”…
Dụng ý của Bằng Kiều trong việc xây dựng đêm nhạc vừa qua khá dễ đoán. Sử dụng trình tự tuyến tính theo từng giai đoạn cuộc đời - cách biên tập không lạ với chương trình dạng “tổng kết chân dung” này, khán giả đã yêu mến giọng ca Bằng Kiều có lẽ cũng “xem trước đoán sau” được những gì nam ca sĩ sẽ “chiêu đãi”.
Dù vậy, việc Bằng Kiều mở màn đêm nhạc với đoạn video về Hà Nội cũng không khỏi khiến người xem bất giác “đứng hình”. Hà Nội là nơi sinh ra Bằng Kiều, cụ thể là ở một căn gác nhỏ trên phố Ngô Sĩ Liên. Anh tri ân quê hương bằng liên khúc: Hà Nội của tôi, Nơi tôi sinh Hà Nội và Em ơi Hà Nội phố.
Bằng Kiều hát nhạc Hà Nội có lẽ sẽ không “thuận tai” những khán giả vốn quen nghe qua giọng hát của các “diva”, “divo”. Nhưng chẳng quan trọng, vì anh đang tâm sự câu chuyện của mình. Câu chuyện ấy bắt đầu ở Hà Nội, với những ký ức mà hẳn là “không chỉ riêng Bằng Kiều”: trèo cây hái bàng trên phố Nguyễn Du, thích được đi xe điện,...
Chỉ vậy thôi, và sau đó anh trở lại là một Bằng Kiều như khán giả vẫn mặc định, với những hit tình ca thuộc 2 giai đoạn khá rõ ràng: thời kỳ nhạc nhẹ và sau khi lập nghiệp ở hải ngoại.
Giai đoạn thập niên 1990, đầu những năm 2000, Bằng Kiều là một trong những cái tên nổi lên cùng với thời kỳ hoàng kim của nhạc nhẹ Việt Nam khi góp mặt liên tục trong hai chuỗi chương trình nhiều tiếng vang của giai đoạn này là “SV 96” và “Làn sóng xanh”. Những ca khúc anh lựa chọn đưa vào liveshow cũng nhắc nhớ tới 2 chuỗi chương trình này như: Giọt sương trên mí mắt, Mặt trời dịu êm,.. và Trái tim không ngủ yên hát cùng “đại diện nổi bật” là Hồng Nhung.
Đúng như Bằng Kiều tự nhận, hát lại hit của 20 năm trước giọng hát cũng không còn được “trong trẻo” nữa. Nhưng bù lại, nó “đậm đà” màu thời gian, màu của thăng trầm, và quan trọng là đủ sức kéo cả “bầu trời” ký ức của khán giả về một giai đoạn rực rỡ trong nền âm nhạc Việt Nam lên sân khấu của riêng anh.
Bằng Kiều hát "Trái tim bên lề"
Dòng hồi tưởng chực vỡ oà khi trên màn hình phát lại những thước phim tư liệu của “Làn sóng xanh”, với giọng dẫn quen thuộc, với những bản hit chưa từng “ngủ yên” và hình ảnh các ca sĩ thời còn “ngây ngô”. Nhiều khán giả không khỏi bật cười mà thốt lên: “Mỹ Linh đây sao, hồi đấy nhìn “quê” thế nhỉ!” hay “Hồng Nhung kìa, hồi còn răng khểnh”…
Và cũng không thể quên một Bằng Kiều của “Quả Dưa hấu” ngày nào. “Em út” Tú Dưa tái hợp với “anh cả” Bằng Kiều trong phần song ca giản dị đầy ngẫu hứng, như chính cách họ đã cùng nhau hát thời còn “ngây dại” với Hè muộn, Mưa và khéo léo nhắc đến “mẩu” còn lại - Tuấn Hưng với Nắm lấy tay anh.
Khách mời Minh Tuyết bước ra sân khấu cũng là lúc câu chuyện bước sang chương tiếp theo: những ngày đi hát ở hải ngoại. Minh Tuyết đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn sự nghiệp này của Bằng Kiều, 2 người gặp nhau khi làm chung dự án CD Bởi vì anh yêu em (2006) và kể từ đó, được mệnh danh là “người tình sân khấu” bởi sự ăn ý và tình tứ khi kết hợp.
Với liveshow “Câu chuyện Bằng Kiều”, vẫn là cặp “tình nhân sân khấu” ngọt ngào và tình tứ như vậy trong 2 ca khúc Xin lỗi anh và Bởi vì anh yêu em khiến người nghe như “tan chảy”.
“Anh Kiều thích chân dài, nên không thích Tuyết đâu. Tôi là người tiếp cận trước vì làm CD mà thiếu giọng nam. Thấy chưa song ca với anh Bằng Kiều bao giờ nên mời anh làm cùng. Hát xong thì dính với nhau luôn”, Minh Tuyết chia sẻ.
Ngoài ra, Để nhớ một thời ta đã yêu và Nơi tình yêu bắt đầu là hai ca khúc được Bằng Kiều lựa chọn đại diện cho phần này, cùng với một sáng tác gần đây Cơn mơ băng giá.
Để nhớ một thời ta đã yêu - Bằng Kiều
… và cũng “đầy chất hài”
Bằng Kiều là nghệ sĩ đa tài. Ngoài hát, anh còn có khiếu đóng kịch. Bởi vậy nên câu chuyện của Bằng Kiều chắc chắn không thể thiếu “tiết mục” này.
Tiểu phẩm kịch ngắn mang tên Vợ người ta do giáo sư Xoay Đinh Tiến Dũng xây dựng kịch bản là điểm nhấn thú vị cho đêm liveshow. Bằng Kiều cùng nghệ sĩ Vân Dung và Quang Thắng “diễn mà không diễn”, khéo léo và tự nhiên cả khi gặp phải sự cố bất ngờ là chiếc mic của Bằng Kiều bị tuột. Có được sự ăn ý như vậy phần vì ngoài đời cả 3 là những người bạn thân lâu năm.
Và tiếng cười còn theo khán giả suốt cả chương trình với những chi tiết thú vị. Bằng Kiều vốn nổi tiếng với khiếu hài hước và khả năng đối đáp khéo léo. Anh đối đáp với Hồng Nhung, trêu chọc Tú Dưa là “đẻ con sớm, bằng số vợ nhưng hơn anh về số con”, giỡn Minh Tuyết “chúng tôi hợp nhau cả về hình dáng” và ẩn ý nhắc đến Mỹ Linh là “cô bạn ngày ấy, giờ hát chung mỗi người nhìn một hướng”.
Anh còn “lầy lội” với cả khán giả. Có ai như Bằng Kiều, giơ mic cho khán giả hát, rồi rút lại bảo “Chưa đều rồi. Mọi người hát lại cho đều nhé!”. Hay thậm chí còn “đọ” độ dài hơi với khán giả ở quãng ngân cuối bài Để nhớ một thời ta đã yêu.
Có thể nói, cá tính hài hước đặc biệt của Bằng Kiều là điểm nhấn thú vị tạo nên dấu ấn trong lòng khán giả suốt bao năm qua, và một lần nữa được bộc lộ trong liveshow Câu chuyện Bằng Kiều: Trái tim không ngủ yên.
Bức chân dung thiếu “góc khuất”
Chương trình kết thúc, nhiều khán giả chần chừ đứng dậy với cảm giác hụt hẫng. Họ tiếc vì “giá mà” được nghe Bằng Kiều hát nhiều hơn, bởi càng về cuối, nam ca sĩ hát càng sung, càng “tình”. Thời lượng hơn 2 tiếng cũng là khá ít so với những liveshow tương tự, và càng ít khi nhìn vào chuỗi dài bản hit Bằng Kiều có được trong suốt sự nghiệp (như chính nam ca sĩ cũng tự nhận).
Nhưng điều tiếc nuối nhất, theo chia sẻ của một số khán giả là họ muốn được nghe Bằng Kiều tâm sự nhiều hơn. Liveshow đã rất chặt chẽ và thành công khi vẽ nên con đường sự nghiệp, nhưng còn những “góc khuất”, những điều rất “con người” mà Bằng Kiều phải đối mặt trên con đường đó? Bởi ai cũng hiểu, một "thước phim" toàn vẹn về cuộc đời nghệ sĩ đâu phải chỉ có ánh sáng, nụ cười hay những dấu mốc.
Có lẽ, Bằng Kiều đã muốn tránh đi, muốn “giữ cho riêng mình” và chỉ tập trung vào âm nhạc, vào việc cống hiến cho khán giả một đêm nhạc thật chất lượng. Những “chuyện hậu trường” có lẽ sẽ để dành một dịp khác, thích hợp hơn.