Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ Đỗ Hoàng Khang Ninh (vai Giselle), Hồ Phi Điệp (vai Albert), Đàm Đức Nhuận (vai Hilarion), Đỗ Thị Anh Nguyên (vai mẹ của Giselle), Yuki Hiroshige, Chloé Glemot (vai Chúa Ma)... Tác phẩm kể về Giselle - một cô gái yêu một quý tộc đào hoa tên Albrecht. Khoảng 10 năm trước, tác phẩm từng được Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM thực hiện. Lần này, hai nghệ sĩ Yuki Hiroshige, Chloé Glemot mang đến một bản dựng mới với sự chăm chút về kỹ thuật ballet, âm nhạc và thiết kế sân khấu.
Diễn viên Khang Ninh vào vai Giselle. |
Vở kịch mở màn bằng cảnh Albrecht cải trang thành thường dân tên Loys để tiếp cận Giselle. Giselle lập tức yêu chàng nhưng không biết Albrecht đã có hôn ước với công chúa Bathilde. Hilarion, một thanh niên gác rừng, yêu say đắm Giselle. Đến mùa gặt tại vùng Rhineladn, nước Đức, Bathilde và bạn của cô đến tham gia cùng dân làng. Tại đây, cô biết được Loys thật sự là ai. Giselle cũng phát hiện ra sự dối trá của Albrecht. Quá đau đớn, nàng chết trong vòng tay anh.
Một cảnh của Giselle và Albert. |
Khi Hilarion mang hoa đến viếng mộ Giselle, anh đã bị các Wilis - hồn ma các thiếu nữ từng bị hôn phu của họ phụ bạc - bắt nhảy đến kiệt sức, sau đó bị ném xuống đáy hồ. Albrecht đến viếng mộ của Giselle nhưng vẫn được linh hồn cô ra sức bảo vệ trước sự trừng phạt của các Wilis. Sau đó, những linh hồn biến mất vào bình minh. Giselle không gia nhập vào hội Wilis và trở về yên nghỉ trong mộ phần của mình. Vở vũ kịch kết thúc trong tiếng sáo và đàn harp da diết.
Với yếu tố tình yêu tan vỡ, bi kịch về sự phản bội và trả thù, khung cảnh đồng nội và các linh hồn, vở diễn được xem là tác phẩm điển hình của thể loại ballet lãng mạn. Các diễn viên thể hiện kỹ thuật múa trong cảnh lễ hội gặt hái và cảnh các Wilis bắt những kẻ bội tình nhảy đến chết.
Vở Giselle (Jules Henri Vernoy de Saint Georges và Théophile Gautier viết kịch bản) được biểu diễn lần đầu ở nhà hát vũ kịch l'Académie Royale de Musique tại Salle Le Peletier (Paris, Pháp) vào năm 1841. Tác phẩm mau chóng chiếm được cảm tình của các nhà phê bình và người xem, sau đó nổi tiếng khắp châu Âu, Nga, và Mỹ.
Tam Kỳ