Trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, báo Lao Động đi đầu trong ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhiều phóng viên đã sẵn sàng vác ba lô ra chiến trường. Những bài báo viết nên bằng máu về chiến công của quân giải phóng, phong trào đấu tranh là nguồn động viên lớn cho người lao động và nhân đân đấu tranh trường kì giải phóng đất nước.
Sau ngày thống nhất, Lao Động tiếp tục là cơ quan tuyên truyền chính, luôn đi sâu vào đời sống người dân và trở thành tờ báo đầu tiên sớm có tiếng nói phản biện chính sách, giúp tổ chức công đoàn nhìn nhận lại thái độ, hoạt động, không chỉ tuyên truyền 1 chiều mà còn bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động. Báo đã đón đầu luồng gió đổi mới bằng việc tập hợp lực lượng, mở các diễn đàn, hộp thư công nhân, điều tra phê bình – những chuyên mục mà xưa nay báo chí miền Bắc chưa hề có. Nhớ lại những năm tháng làm báo kiên cường, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động Xuân Cang, bồi hồi: “Chúng tôi luôn tìm cách để nâng lượng thông tin lên, nguồn quan trọng nhất chính là phóng viên đi thực tế”. Còn theo ông Tống Văn Công, cũng là nguyên TBT báo Lao Động, mỗi vấn đề xã hội xảy ra thì phải hay hơn tờ báo bạn chỉ một chút, nhưng mỗi ngày một chút, làm nên nhiều ngày nhiều tháng, bạn đọc nhận ra chúng tôi và đến với Lao Động.
Phát biểu tại Lễ kỉ niệm sáng nay, ông Trần Duy Phương, Tổng biên tập báo Lao Động, xúc động cho biết, tuy thay đổi qua nhiều thời kì, có những ngọn cờ khác nhau, nhưng sự tồn tại xuyên suốt của báo Lao Động chính là sự tin cậy. “Ngày hôm nay, chúng tôi phát hành 4 vạn bản/ngày, 3 tờ báo tuần, mỗi tờ phát hành khoảng 3 vạn bản. Chúng tôi có Lao Động điện tử và Lao Động Mobile, vừa chạy thử nhưng có tới 60.000 lượt đọc/ngày. Chúng tôi có 10 văn phòng, 220 người để làm những công việc trên”.
Ông Trần Duy Phương chia sẻ, 85 năm với biết bao sự thay đổi, nhưng sự may mắn không hề thay đổi là cả bản in bằng thạch cao và bản in ngày hôm nay đều có hình ngôi sau trên măng sét. “Trên toàn quốc hiện có 6 tờ được gọi là Lao Động nhưng khi được hỏi làm ở tờ lao động nào, chúng tôi trả lời là Lao Động có sao. Trong chuyện cổ tích có nói mỗi người chết đi đều có hình một ngôi sao nhấp nháy để nhìn chúng ta và chúng ta nhắc đến họ. 85 năm, có đến nghìn con người đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để làm ra tờ Lao Động này. Chúng tôi bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến các thế hệ, sư lãnh đạo dẫn dắt, động viên của các thế hệ tổ chức, công đoàn…. Để làm nên tờ Lao Động có sao ngày hôm nay” – ông Trần Duy Phương chia sẻ.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết, Lao Động trở thành tờ báo có tuổi đời lâu nhất trong lịch sử 85 năm xây dựng phát triển, góp phần vào đấu tranh dành độc lập, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh. Trong gần 30 năm đổi mới, báo Lao Động có sự phát triển nhanh chóng cả số lượng và chất lượng, trở thàng tờ báo có uy tín và là diễn đàn quan trọng của tổ chức công đoàn trong đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. “Để xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới, thời gian tới báo Lao Động phải tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng chính trị, rèn luyện nghiệp vụ ngày càng tinh thông, chú trọng đào tạo thế hệ nhà báo trẻ nắm chắc công nghệ làm báo hiện đại, có bản lĩnh làm báo trong sáng, không chạy theo xu hướng giật gân câu khách. Nhạy bén và sáng tạo hơn nữa, tạo sư đồng thuận trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc” – đồng chí Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.
Cũng trong dịp kỉ niệm trọng đại này, lần đầu tiên phiên bản Lao Động Mobile , ở địa chỉ m.laodong.com.vn chính thức được ra mắt. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng đã chính thức click khởi động bản Lao Động Mobile.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho báo Lao Động.
Theo Dương Hà
Lao Động