Đang tải dữ liệu ...


Kỷ niệm 85 năm ngày Báo Lao Động ra số đầu tiên (14.8.1929 - 14.8.2014): Gặp gỡ Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang - người bạn đọc thân thiết của báo chí cách mạng Việt Nam: Hãy luôn nhớ “Viết cho ai? Viết để làm gì?”

Để chuẩn bị cho kỷ niệm 85 năm ngày ra đời của Báo Lao Động (1929 - 2014), phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện, trao đổi thân mật với Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang về báo chí nước nhà nói chung và Báo Lao Động nói riêng.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nhận xét về ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 85 năm Báo Lao Động ra số đầu tiên. Ảnh: Hải Nguyễn
 
Thưa Chủ tịch Nước, chúng tôi không muốn gọi đây là một cuộc phỏng vấn, bởi nó dễ đi đến sự quá trang trọng và quá nghi thức. Chúng tôi xin được phép xem đây là một cuộc trò chuyện, trao đổi thân mật không chỉ với một người đang giữ vị trí đứng đầu Nhà nước, mà còn là một bạn đọc thân thiết của báo chí nước nhà…
- Tôi rất vui về cuộc nói chuyện với cách đặt vấn đề như thế. Tôi không chỉ là bạn đọc của báo viết, mà còn là thính giả của báo nói và khán giả của báo hình cũng như những loại hình truyền thông khác. Báo chí không chỉ là nguồn cung cấp thông tin rất cần thiết, mà nó còn là nơi bổ sung tri thức và cũng là chỗ cho ta giải trí, thư dãn nữa. Tất nhiên cũng có một số tờ báo lúc này, lúc khác có những sai sót, lệch lạc, nhưng nhìn về cơ bản, nền báo chí của chúng ta ngày càng phát triển, có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng và có những ảnh hưởng tích cực, to lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc.
 
Trở lại với vấn đề báo chí, Chủ tịch đã có nhận xét xác đáng về nền báo chí nước nhà, nhưng hiện nay, có một số tổ chức ở nước ngoài xếp hạng nước ta ở vị trí rất thấp về sự tự do báo chí, cho rằng ở nước ta không có tự do báo chí hoặc giả chỉ là “sự tự do báo chí được hướng dẫn”… Chủ tịch nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Làm báo chân chính là một nghề đáng quý, không thể là nhà báo chân chính nếu viết sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc sự thật, có hại cho sự ổn định phát triển của đất nước, có hại cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta, cũng như xâm phạm đời tư, xúc phạm đến danh dự và phẩm giá của tổ chức, cá nhân. Tôi nghĩ rằng, khi mỗi nhà báo biết yêu thương tôn trọng con người, bảo vệ phẩm giá của con người, có lòng tự hào dân tộc, biết chung sức cùng với nhân dân vì sự đi lên của đất nước, chống lại những thói hư tật xấu, áp bức, bất công trong xã hội và biết dùng ngòi bút để viết theo lương tâm, sứ mệnh cao cả của mình thì đó chính là sự tự do cao nhất, đáng tự hào nhất. 

Tôi nhớ Bác Hồ từng nói với các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ...”. Người luôn nhấn mạnh: “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà...”. Hay như cụ đồ Chiểu cũng từng viết “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Thật giản dị mà hết sức có ý nghĩa, nếu báo chí không tham gia sự nghiệp phò chính, trừ tà thì báo chí để làm gì? Không thể vì phò chính, trừ tà, viết những điều có lợi cho dân cho nước mà nói báo chí không có tự do.

Chủ tịch có nhận xét gì về Báo Lao Động, đặc biệt là trong vai trò bảo vệ quyền lợi của người lao động?
- Báo Lao Động vừa bước vào tuổi 85, là một tờ báo có bề dầy lịch sử hàng đầu trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Lao Động đã ra đời, phát triển, được rèn luyện, thử thách qua ngọn lửa đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tờ báo có sự đóng góp to lớn của nhiều bậc tiền bối lão thành cách mạng cùng nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ có tài năng, tâm huyết với báo chí, đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Từ lúc ra đời cho đến nay, Báo Lao Động vẫn là một tờ báo được bạn đọc yêu mến, tin cậy.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Báo Lao Động có những tiếng nói tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đồng thời cổ vũ động viên những người lao động có những đóng góp mới cho sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Tôi đánh giá cao sự đóng góp của Báo Lao Động vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước những năm qua, mong rằng Báo Lao Động tiếp tục phát huy được truyền thống này.
 
Thưa Chủ tịch, đội ngũ báo chí Việt Nam nói chung và Báo Lao Động nói riêng cần phải làm gì để hoàn thành vai trò và trách nhiệm của mình với đất nước?

- Để hoàn thành vai trò và trách nhiệm cao cả của báo chí với đất nước, tôi cho rằng Báo Lao Động nói riêng, đội ngũ báo chí Việt Nam nói chung cần giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng hơn 80 năm qua, không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, bám sát thực tiễn cuộc sống, có nhiều tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn bạn đọc, có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta.

 Trong đó, tôi đề nghị các bạn làm báo cần phải học tập và tiếp thu sâu sắc hơn nữa về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Người không chỉ là một nhà cách mạng vĩ đại, mà còn là một nhà báo xuất sắc, đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. 

Những bài học của Bác Hồ về báo chí thật sâu sắc và hết sức phong phú. Phải luôn ghi nhớ và làm theo những lời Bác dạy, như: “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”, phải “gần gũi quần chúng”, khi viết phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát...”, đồng thời cũng phải “viết cho văn chương, cho người đọc thấy hay, thấy văn chương mới thích đọc...”. Người luôn đề cao dân chủ, tư tưởng phải tự do, nhưng cũng nhắc nhở rằng “quyền tự do tư tưởng” phải là “quyền phục tùng chân lý – chân lý là cái gì có lợi cho tổ quốc, cho nhân dân”.

Những bài học của Bác Hồ về báo chí nhiều lắm, tôi không thể nói ra đầy đủ được. Tôi mong sao các nhà báo dành nhiều thời gian hơn nữa để nghiên cứu, học tập tấm gương của một nhà báo lớn – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta.
- Xin cảm ơn Chủ tịch về cuộc trò chuyện bổ ích này!

 (Theo Laodong.com.vn)

Lượt xem: 1641
Thứ hai, 18/08/2014, 10:02 GMT+7
Tin mới nhất:
Các tin khác:
1 - Từ khóa
2 - Thành phố - Địa điểm
3 - Thời gian
Từ ngày
Đến ngày
4 - Trạng thái
Đối tác – Khách hàng