Trao đổi với Lao Động chiều tối qua, NS Phú Quang cho biết: “Có những bức xúc tôi cần phải được nói ra, vì nó tích tụ quá lâu rồi. Để ít nhất, bớt được phần nào sự thiếu nhất quán, tùy tiện giữa các con số. Có cái lý nào là đòi thu 5 bài của cố NS Đoàn Chuẩn 80 triệu đồng tiền bản quyền + 8 triệu đồng tiền thuế, trong khi các nhạc phẩm của cố NS Văn Cao, cùng chương trình đó lại chỉ có mức giá 1 triệu đồng/bài? Lúc ấy, bức xúc quá, với tư cách là chỉ đạo nghệ thuật đêm nhạc, tôi đã nổi cáu: “Đây là... “ăn cướp”.
Live show Bằng Kiều, theo tôi biết, được yêu cầu phải trả 4 triệu đồng/bài, họ không chịu, lại hạ xuống 700.000 đồng/bài, là cớ sao? Đêm nhạc Khánh Ly, mỗi bài được yêu cầu trả tới mười mấy triệu, trong khi bình quân mỗi ca khúc của tôi được trả từ 200-300.000 đồng, có khi còn chỉ có... 1.500 đồng. Trước khi có sự “cơm không lành canh không ngọt” nói trên, bên VCPMC còn trả tôi chừng 36 triệu đồng/quý, giờ chỉ có mười mấy triệu, hẳn là cũng có lý do...”.
Liên quan đến việc trả tiền tác quyền còn chưa rõ ràng của VCPMC, NSND Trần Bình - GĐ Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN - bày tỏ: “Một ca khúc của NS Phú Quang, xuất hiện trong một chương trình lớn, bị đòi tới 4 triệu đồng tiền tác quyền, nhưng khi trả cho nhạc sĩ thì chỉ 200-300.000, còn phần giữ lại được giải thích là để trả cho tác giả ca từ, mà tôi tin là cũng khó mà qua nổi 200.000, vậy 3,5 triệu đồng còn lại là để dành nuôi bộ máy à (theo quy định là 20%)?
Tiền bản quyền một ca khúc phát sóng trên truyền hình, được nhà đài trả 300.000 đồng/ca khúc suốt 3 năm nay, theo tôi biết, cũng chưa đến được tay các NS với lý do... chưa có phần mềm để tính toán... Bằng ấy bất cập, theo tôi, cũng chỉ do hai chữ “độc quyền” mà ra! Thu quá nhiều, chia cho các NS quá ít, cách chi trả cũng không chuẩn (3-6 tháng mới chi 1 lần và không kê khai chi tiết)... Bấy nhiêu đủ khiến nhiều NS tham gia hợp đồng ủy thác với VCPMC thấy không được thoải mái. Chẳng qua họ không có lựa chọn khác mà thôi”.