Đã thế, có một số câu nói của ông lại đã trở thành "kinh điển”, rất dễ giật tít nên đừng mơ là sẽ có được một bài báo không "đụng hàng”.
Nhưng nếu chịu khó ngồi nán lại thêm thì hóa ra lại được việc, vì vẻ như tác giả "Mơ về nơi xa lắm” hình như không phải lúc nào cũng "tỉnh đòn”…
Cái tờ poster giới thiệu chương trình, ngay trang đầu, đã cho thấy Phú Quang rõ là "có duyên” với… Báo Lao Động, khi cùng lúc dùng đến cả ảnh và thơ của những người một thời là "quân của Lao Động” - những cái tên tài hoa và cũng là những người có tiếng yêu Hà Nội. Với thơ, thì là của nhà báo Hoàng Hưng: "Sao em còn mang áo mỏng/ Có còn mùa hạ nữa đâu/ Sao em làm lòng ta đau/ Nhớ ngọn lửa hè đã tắt?”, đã từng giúp Phú Quang có được ca khúc ghi dấu ấn đậm "Mùa hạ còn đâu”, với lời đề nghị đã trở thành "kinh điển”: "Hãy để mùa hè yên nghỉ!”.
Còn ảnh, thì là của Dương Minh Long, tay ảnh "khét tiếng” một thời của Lao Động nhưng ở đây thì "hiền” hơn: Một dáng thiếu nữ đạp xe che ô đi dưới mưa, khả năng rồi cũng sẽ "không nhớ nổi một con đường” như ai. Và đáng kể, là chụp từ phía sau. "Hà Nội là phải thế! Biểu tượng của Hà Nội chính ra là phải thế! Nhẹ nhàng như không, nhưng kiêu ngầm thì phải biết: Chả cần ai "biết mặt” cả! Thế thôi, là đủ!” - tác giả "Im lặng đêm Hà Nội” và lần này là live show "Hà Nội ơi… Còn mãi một tình yêu” tâm đắc...
Vậy, thế nào thì là chưa đủ, thưa nhạc sĩ?
- Chuyện này kể cho vui thôi nhé, chỉ vì bất chợt nhớ ra thôi! Có một bản "chế” vui vui thế này, hồi Hà Nội mở rộng, do một fan ruột của mình, nguyên là người Hà Tây, chế: "Làm sao về được Hà Tây/ Hà Tây bây giờ đã mất/ Làm sao về được Hà Đông/ Hà Đông cây cầu đã gãy/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như Hà Đông vẫn còn…”. Đấy nhé, đủ - thiếu thế nào là do các bạn tự đong đếm vậy! Vì "Nỗi nhớ mùa đông” của tôi và nhà thơ Thảo Phương… đâu có viết vậy!
Thường thì ông hay đứng riêng "một mình một chợ”, nhưng vì sao lần này Phú Quang lại "họp đồng hương” đông đến thế nhỉ, với rất nhiều tác giả, nhạc sĩ… Phải chăng là đã đến lúc Phú Quang lo… hết vốn, hoặc đã bớt tự tin hơn?
- Nếu lo hết vốn thì đã phải lo "ăn de” từ lâu rồi chứ, đâu phải đợi đến bây giờ! Và cũng chả cần phải đợi tôi nhắc, khán giả mới biết Hà Nội sở hữu bao nhiêu ca khúc hay viết về nó, chứ đâu chỉ có mình ông Phú Quang! "Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến chẳng hạn, phải đau tới mức nào, thấm đến mức nào tác giả của nó mới viết được cái câu dịu nhẹ mà hoang mang đến thế chứ, ngày trở về: "Hà Nội có lần khóc thầm, chạy lên thang gác bóng mẹ còn đâu/ Hà Nội có gì rất đau, người ta yêu dấu đi không trở lại…”
Vậy với Phú Quang, lần trở về nào là đau đớn nhất?
- Là những lúc trở về mà vẫn chưa được trở về hẳn…
Vậy mà khi đã về hẳn rồi thì lại thấy Phú Quang chả có thêm "quà” gì cho Hà Nội nữa nhỉ? Kể cả show riêng lần trước, tiếng là "Chuyện bây giờ mới kể” nhưng hóa ra cũng là… kể gần hết rồi?
- À, thì nếu ai đó cho rằng đó là chuyện đã kể thì chỉ có thể, hoặc là người kể nhớ nhầm, hai là người nghe nhớ nhầm, vậy thôi! Cũng như, khi cô từ chối tình cảm của một ai đó, thì hoặc là cô không hiểu được tình cảm của người ta, hoặc cô không xứng đáng với tình yêu của họ, hay ngược lại…
Ông cũng… AQ gớm ghỉ!
- Ô, thì tôi vẫn thường xuyên AQ thế mà! Cuộc đời này đôi lúc cũng phải AQ một chút cho nó dễ thở! Trịnh Công Sơn chả bảo rồi thôi: "Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ…”.
Mức độ "trầm trọng” nhất của AQ là gì?
- Là nếu có ai đó tát tôi, thì rất có thể tôi cũng sẽ đắc chí cười trừ: "Coi như mày đang tát… bố mày thôi mà!”.
Những ca khúc hay về Hà Nội mà lại thấy thiếu đi một bài khá quan trọng nhỉ? Đó có phải vì tác giả của nó là một nhạc sĩ mà tôi vẫn thường nghe đồng nghiệp trong giới dặn rằng: "Gặp Phú Quang thì đừng có dại mà nhắc tới bác kia, và ngược lại”?
- Ai bảo cô thế? Chả có ai mà tôi không nhắc đến được cả! Tôi làm gì thù ghét ai tới mức ấy! Tất nhiên không phủ nhận là tôi có tật "nhớ lâu”, nên tận đến giờ vẫn nhớ "con lươn” được mẹ "cho ăn” năm lên 5 tuổi, vì cái tội buột mồm nói hỗn. Nhưng "nhớ lâu” đâu có nghĩa là "thù dai”!
Có bạn nghề còn dặn tôi rằng: Hỏi ai gai góc thì được, nhưng Phú Quang thì đừng! Không tức lên là bác ấy đập bàn ra về đấy!
- Không, chả bao giờ! Ai lại nỡ đập bàn với phụ nữ chứ, khi họ phần đa là đáng yêu và thỉnh thoảng lại còn cho ta… "ăn” nữa!
Ô, tôi tưởng giờ này có được mời "ăn” thì ông cũng phải cố mà "nhịn” chứ?
- À, thì đúng là "cai” rồi mà! Giờ chỉ toàn "đam mê lương thiện”!(cười).