Đang tải dữ liệu ...


Trần gia nhạc có nhã?

TP - Trần gia nhã nhạc ấm cúng đúng kiểu đêm nhạc gia đình. Trên sân khấu có ba thế hệ thì bên dưới, khán giả cũng thế. Một số cụ ông cụ bà tóc bạc lơ thơ chống gậy khập khiễng đi nghe nhạc. Nhạc của Trần gia biến Cung Văn hóa Hữu Nghị thành điểm hẹn của mấy thế hệ khán giả.

Hà Trần cho con gái làm quen với ánh đèn sân khấu. Ảnh: N.M.Hà

Nghệ sĩ đối đãi với khán giả cũng đúng kiểu người nhà. Có người vừa đề nghị Chị tôi, Hà Trần đáp ứng liền. Bài ngoài chương trình này trở thành một trong vài tiết mục của Hà được vỗ tay nhiều nhất. Khán giả của Trần gia phải nói quá dễ thương, vỗ tay liên tục mỗi khi ca sĩ cất giọng. Từ Trần Hiếu, Hà Trần cho tới Uyên Linh… đều được ưu ái như vậy. Cũng có thể vì họ hát toàn nhạc của Trần Tiến?! Nhưng tiết mục được cổ vũ nhiều nhất là của hai cô gái út ít cháu nội Trần Hiếu và con của Trần Thanh Phương. Hai cô bé đàn hát còn xa mới đến mức điêu luyện như các… đàn cô, đàn ông trong nhà, nhưng sự trong trẻo, tinh khôi có vẻ đã đốn gục khán giả. 

Nhạc Trần Tiến đa dạng, đa chiều nhưng vì chọn theo chủ đề nên tổng thể Chuyện phố bên sông hơi bị một màu và thiếu điểm nhấn, có thể do dàn dựng. Uyên Linh tỏ ra không kém cạnh Hà Trần khi làm mớiMặt trời bé con. Nhưng một vấn đề là Uyên Linh đặt cạnh Hà Trần lại chưa đủ độ khác biệt để tăng tính đối thoại cho đêm nhạc.

Điều khán giả bất ngờ nhất có lẽ là phong độ của NSND Trần Hiếu. Dáng đi đã trở nên hơi bị lệch cùng cái bụng tròn vo, nhưng ông hoàn toàn năng động trên sân khấu. Bản Ngẫu hứng phố có thể nói thể hiện sự lão luyện của một bậc thầy khi tung hứng với cảm xúc của khán giả. Khi buồn đến nao lòng “chạy lên thang gác bóng mẹ còn đâu”, thoắt lại cười khà khà “rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè”. Chất giọng trầm ấm trứ danh vẫn phát huy ma lực. Cô bé vô tư đúng sở trường hài hước của ông nhưng Ngẫu hứng phố mới khiến người nghe phải bái phục.

Ngoài giọng hát bất chấp năm tháng, Trần Hiếu còn kỹ năng trình diễn hình thể điêu luyện. Ông đã truyền cho học trò cách hát, đáng ra nên truyền thêm cách diễn. Tranh thủ lúc ban nhạc đệm Tiếng trống Paranưng - song ca cùng Tấn Minh- Trần Hiếu biểu diễn một số vũ đạo dùng hông và bàn chân. Tấn Minh cố bắt chước nhưng không theo kịp. Trần Hiếu cũng tỏ ra nhanh gọn khi Tấn Minh đang trình bày đầy tình cảm về mối quan hệ thầy trò 8 năm ở Nhạc viện, ông gạt đi: “Thôi bây giờ hát nhé!”. Trần Tiến sau đó bước ra nhận xét về bài song ca: “Các bạn thấy họ hát bài này có gì khác không? Họ hát đứng đắn kiểu opera đấy!”. Lại thủ pháp nói quá đúng chất Trần Tiến. Hai thầy trò hát hoàn toàn bình thường, có chăng một chút ở đoạn vocal là có vẻ opera.

Trần gia ngoài gene âm nhạc còn có gene nói năng. Nói chung ai cũng có khả năng nói vui và có thể nói nhiều trên sân khấu. Tuy nhiên phần kể chuyện cổ tích và giảng giải tích chèo của Trần Tiến hơi làm khán giả sốt ruột vì toàn thuật lại những cái mà trẻ con cũng biết. Có câu chèo: “Con gái phú ông tên là Mầu Thị/Tư tình ngoại ý…” thì nhạc sĩ không biết vô tình hay cố ý dẫn thành: “Tâm tình ngoại ý…”.

Sau khi vượt qua những dẫn giải loằng ngoằng của Trần Tiến, rút cuộc khán giả cũng được đền bù bằng vài bài trong chùm Ra ngõ. Những đoản khúc này có vẻ đánh trúng tâm lý khán giả, muốn được nghe những gì đời nhất, thời sự nhất. Có thể thấy trong đó những hình tượng ẩn dụ như Thị Màu lên cân, Thị Kính tù chung thân, hay một tay lưu manh đi chùa cầu nghìn đô… Các bài hát đều có chung đoạn điệp khúc Buồn thì vẫn cười/ Ý a cười thì vẫn buồn

Những bài hát này được viết từ khi Trịnh Công Sơn còn sống (1998). Trần Tiến kể chính họ Trịnh đã khuyến khích anh viết 43 khúc Ra ngõ cuối thế kỷ. Sau khi Hà Trần trình làng Ra ngõ tụng kinh và Ra ngõ mà yêu vào 2006, đến tận bây giờ khán giả mới được biết có cả “Ra ngõ mà kinh”...  Cũng trong đêm nhạc Chuyện phố bên sông, Trần Tiến mở lòng với khán giả trong bài Buồn - bài hát như trang nhật ký ghi lại thời điểm ông mới vào Sài Gòn tìm những vùng đất mới trong âm nhạc đồng thời không xu dính túi, phải đi hát đám cưới… Trong bài hát này Trần Tiến tự ví mình là Trương Chi lang thang. Hát xong ông gục đầu trên cây ghi-ta hồi lâu, không nhớ tiếp theo phải làm gì. Đâm ra bài sau ông có quên lời một tẹo nhưng rồi nhớ lại ngay. Cô cháu cho hay ông vừa nằm viện mới ra.

Nếu Trần gia Nhã nhạc giữ được cam kết một năm làm show một lần là điều rất đáng quý và đáng trông đợi. Những nghệ sĩ thực sự của nhân dân như Trần Hiếu cần được biểu diễn nhiều hơn để làm mẫu cho con cháu.

Theo lý luận của Trần Tiến, nhã nhạc cứ cho là nhạc dành cho vua đi nhưng bây giờ dân làm chủ, dân còn hơn vua, còn được phong là Thượng Đế nữa kia. Vì vậy nhã nhạc của Trần gia là dành cho nhân dân.

Lượt xem: 1397
( theo Tiền phong Online ) - Thứ hai, 05/10/2015, 09:29 GMT+7
Tin mới nhất:
Các tin khác:
1 - Từ khóa
2 - Thành phố - Địa điểm
3 - Thời gian
Từ ngày
Đến ngày
4 - Trạng thái
Đối tác – Khách hàng