“Nhạc Trịnh là nơi tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ”
Trong số các diva, chị có vẻ là người kém “mặn lòng” nhất với nhạc Trịnh, vì sao?
- Nhạc Trịnh có thể tạm chia làm hai “khu vực”: Hoặc riêng dành cho những giọng ca mà khi nhạc Trịnh vang lên sẽ rất đặc biệt, như cô Khánh Ly, chị Hồng Nhung..., hay trước đây là Hồng Ngọc (trong nhóm “Du ca” của nhạc sĩ Trần Tiến)... Hoặc dành chung cho tất cả mọi người, vì ai cũng có thể hát được nhạc Trịnh theo cách cảm riêng của họ và tìm thấy một phần của mình trong sự gần gũi ấy.
Tôi thì không nghĩ mình đủ yêu thích nhạc Trịnh tới mức để có thể đặt được dấu ấn riêng của mình lên đấy, nhưng phần nào đó, tôi cũng rất đồng cảm trước vẻ đẹp dung dị và chân tình đó. Năm 18 tuổi, tôi cũng đã từng được gặp anh Sơn đôi lần ở Sài Gòn, rất ấn tượng cái cung cách nho nhã, tế nhị và sâu sắc ở con người anh. Nhạc Trịnh vì vậy với tôi không hẳn là nơi để đặt dấu ấn mà là nơi để tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ, với âm nhạc ấy, con người ấy...
Không ham muốn đặt dấu ấn - nghe có vẻ không giống vị thế của một diva lắm nhỉ?
- Đó có thể còn là quan niệm sống của tôi. Chị thấy đấy, ở ngoài đời, tôi ăn vận trang điểm khá là giản dị, cũng có thể là do cái tôi của tôi không quá lớn tới mức khiến tôi luôn có nhu cầu phải “khác người”, “hơn người” và phải được tất thảy mọi người nhìn thấy theo cách đó. Ngay cả trên sân khấu, tôi cũng thường không cố tìm đủ mọi cách để đặt dấu ấn của mình vào đâu đấy mà chỉ muốn dấu ấn, nếu có, sẽ tự nó tỏa ra một cách giản dị, tự nhiên.
Càng về sau này, tôi càng nhận ra rằng, chẳng có vẻ đẹp nào là giàu sức hút bằng sự giản dị tự nhiên, cả trong đời sống cũng như trong âm nhạc. Tôi thích vẻ đẹp và sức hút lặng lẽ của một bông hoa dại, ai thích thì sẽ thấy, ai không thích thì sẽ bỏ qua, và cũng không sao. Được tất thảy mọi người nhìn thấy chưa chắc đã hạnh phúc hơn là được một số người thực sự quan tâm đến mình nhìn thấy.
Tất nhiên, nói thế cũng khó, vì dễ chừng sẽ có người bảo: Giờ chị đạt được điều đó rồi thì nói gì chẳng được... Nhưng, thực sự, đó vẫn là một tâm sự rất chân thành của tôi, có lẽ xuất phát từ tính cách.
Điều đó có được phải chăng là nhờ vào không gian sống khoáng đạt, gần gũi với thiên nhiên mà hàng ngày chị được tận hưởng tại khu nhà vườn ngoại ô Hà Nội?
- Cũng có thể. Đôi khi chỉ cần vui với cây cỏ thôi là cũng đã đủ năng lượng sống cho một ngày. Bản chất của hạnh phúc đôi khi chỉ giản dị thế thôi: Một buổi chiều tản bộ trong vườn nhà, hay trên một vỉa hè đẹp, ngắm “hoa vàng mấy độ” và nghe những “phôi pha”, một cách vô tư lự...
“Làm gì có ai không yêu mình”
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, cách của chị là gì?
- Cách của tôi là... không chọn, vì thật ra, cũng chả chọn được. Mỗi ngày chưa chắc đã chọn được một niềm vui đâu, vì mọi thứ cứ chợt đến chợt đi, như thời tiết hôm mưa hôm nắng. Nên cả khi đời sống không được vui, tôi cũng sẽ vẫn mở lòng tiếp nhận nó. Người ta chỉ mệt khi cứ cố chống lại lẽ tự nhiên đó mà thôi. Thuận theo lẽ tự nhiên theo tôi vẫn là một cách sống vừa vặn và an toàn nhất.
Tất nhiên, cũng có nhiều người giàu năng lượng mà tôi rất lấy làm ngưỡng mộ, như chị Thanh Lam chẳng hạn. Hẳn phải giàu năng lượng lắm, họ mới có thể thăng hoa được đến mức đấy...
Có lẽ cần phải biết yêu mình nhiều hơn chăng?
- Thì làm gì có ai không yêu mình! Chỉ là, có thể khác nhau về cách. Cách của tôi thì thường là tôi sẽ cố bảo vệ mọi thứ tạo nên mình, thuộc về mình, ở mức an toàn nhất có thể: Gia đình mình, sức khỏe của mình, thời gian của mình, sự tự do, và tất thảy những gì tôi tin tưởng...
Thật ra tôi luôn thấy năng lượng sống ở chị dồi dào đấy chứ, cả trong cách chị hát nhạc Trịnh, ấm nồng, khỏe khoắn?
- Có chứ, nhiều là khác! Nhưng năng lượng của tôi là dạng năng lượng của sự cân bằng, đều đều, bền bỉ, chứ không phải dạng bất chợt bùng lên như một ngọn lửa gas, hay tự dưng làm phát từ đỉnh cao xuống vực sâu, hay ngược lại. Tôi cũng chưa từng yêu ai theo kiểu có thể “chết đi sống lại” vì người ta - “cháy” kiểu đó tôi thấy mệt lắm (cười)...
Khi các con dần lớn và đi ra khỏi sự bảo bọc của mình, chị thấy cung đường trước mặt dài hơn hay ngắn hơn?
- Tôi thấy nó rộng hơn. Anna vào tháng 5 tới sẽ tốt nghiệp nhưng sẽ ở lại học thêm và có thể được giữ lại để làm việc cho một studio tại Mỹ. Anh Duy thì tới đây sẽ du học tại Australia về tài chính. Riêng gái út Mỹ Anh thì vẫn ở lại để «đưa cơm cho mẹ đi cày», và để « bố con nhà họ» nắm tay đi ngủ hàng đêm (cười)...
Có thể chọn niềm vui, nói như Trịnh Công Sơn. Nhưng lại không thể chọn làm đàn ông hay phụ nữ. Gần đây, chị vừa mới chia sẻ trên FB rằng, nếu được chọn lại, chị vẫn chọn là phụ nữ, vì sao?
- Vì theo tôi, phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn đàn ông, lại không phải chịu áp lực bằng. Thiệt thòi cho đàn ông là họ luôn bị coi là phái mạnh nên khi buồn họ không thể khóc hay tâm sự với ai, còn phụ nữ thì có thể thoải mái bộc lộ sự yếu đuối ấy ở họ mà không sợ bị ai soi mói. Đàn bà dễ hiểu dễ chiều, muốn buồn là buồn, vui là vui. Đàn ông tiếng vậy thôi nhưng thật ra họ bị động lắm. Cái nặng ở đàn ông là cái nặng của sự chất chứa, của một vũ trụ thu nhỏ không được hiểu, không dễ gì nói ra... Chị cứ chơi game thì biết, khi một người đàn ông bị thương thì cứ việc đi ra ngoài, trận đấu vẫn tiếp tục; nhưng nếu người chơi là phụ nữ, thì chỉ cần một «nàng» dỗi thôi là cũng đã đủ để tàn game...
Làm thế nào để cái gọi là «gương mặt thân quen» không dễ khiến cho diện mạo hôn nhân trở nên nhàm chán?
- Đối với phụ nữ, thì cảm giác an toàn là quan trọng, hơn bất kỳ một cảm giác nào. Cũng có thể, đó là quan niệm cá nhân của tôi. Quen, thì vẫn tốt hơn là lạ. Quen, thì mới được an toàn. Tôi thích an toàn. Nhưng tất nhiên thì nghe mãi một bài hát, dù có hay mấy thì có thể cũng có lúc phát chán chứ, phát điên là khác (cười)! Mà thôi, tùy người...
Xin cảm ơn chị!