Đang tải dữ liệu ...


Nhạc Trịnh và lớp ca sĩ hậu sinh

TP - Với giọng ca tiêu biểu cho thế hệ 8X Tùng Dương- Trịnh Công Sơn là một biểu tượng nghệ thuật, mỗi người đều có thể kiếm tìm ở đó giá trị sống cho riêng mình. Không phải ai nghe nhạc Trịnh cũng thích ngay, Tấn Minh là một ví dụ. Trong khi Hà Trần được Trịnh Công Sơn vẽ chân dung tặng, Mỹ Linh lại chưa có cơ hội trò chuyện riêng với nhạc sĩ. Mỗi ca sĩ có một cảm nhận riêng về người nhạc sĩ mà họ đều yêu mến.

Mỹ Tâm hát nhạc Trịnh trong đêm nhạc Ru em sắp tới tại Hà Nội. Ảnh: MediaMax

Đêm nhạc Trịnh Ru em tối 7-8/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội hội tụ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, Tấn Minh, Mỹ Tâm, Tùng Dương. Đây cũng là dịp để các ca sĩ ngồi lại chia sẻ những kỷ niệm và cảm nhận về một tác giả lớn của nhạc Việt.

Hồn nhiên “đỉnh cao”

Lần đầu Mỹ Linh gặp Trịnh Công Sơn khi được các đàn anh Thành Chương, Dương Minh Long, đưa đến nhà nhạc sĩ chơi. “Tôi chỉ ngồi yên trong góc nhỏ bé của mình nghe các cao nhân nói chuyện. Mình là… vắt mũi chưa sạch”. Ấy là trước đó, khi Trịnh Công Sơn và các nhạc sĩ trong nhóm Những Người Bạn ra Hà Nội diễn từng mời Mỹ Linh hát. Nhạc sĩ khi đó chưa có điều gì để nói riêng với giọng ca sau này được coi là diva. Còn Mỹ Linh có nhiều điều muốn nói nhưng không dám.

Cảm nhận của Mỹ Linh về Trịnh Công Sơn- là người rất nho nhã, nói nhỏ nhẹ, uống rất nhiều… Con người và âm nhạc Trịnh Công Sơn thu hút Mỹ Linh ở sự trong trẻo. Linh kể: “Linh cảm nhận sự trong trẻo ấy không bị bẩn đục bởi danh tiếng, tiền bạc. Ông có sự hồn nhiên của một người đã hiểu thấu hầu hết mọi sự, nhìn nhận và chấp nhận mọi thứ như nó vốn có”.

Hà Trần cung cấp một chi tiết chứng tỏ sự nho nhã, công tử của nhạc sĩ: Ông dùng một cái chuông đồng để gọi người giúp việc mỗi khi có việc cần sai bảo. Với Hà, Trịnh Công Sơn hiền từ nhân hậu, và có lẽ rất cô đơn.  “Cô đơn nên ông luôn rủ và muốn có bạn bè kề cận bên”, Hà kể. “Căn nhà ở Phạm Ngọc Thạch của ông mỗi lần tôi có dịp ghé qua chưa bao giờ vắng người, tôi thường xuyên gặp nhóm nhạc sĩ Những Người Bạn ở đó. Có vài lần tôi đến cùng chú Trần Tiến. Họ thường ngồi đàn ca và đàm đạo rất lâu. Họ tếu táo và thân tình, không suồng sã, cũng không quá cao siêu xa vời. Họ đều là nhạc sĩ lớn, nhưng không tạo cảm giác xa cách cho một ca sĩ mới nổi như tôi”.

Hà kể những ngày cô mới vào Sài Gòn hát, nếu biết, thể nào Trịnh Công Sơn cũng cho xe ra tận sân bay đón. “Ông cũng muốn làm đĩa nhạc riêng cho tôi hát và vẽ tặng tôi bức chân dung khi đang cảm hứng nghe bài Cho đời chút ơn”, Hà nói. “Ông quý những người hát nhạc của ông và đều dành cho họ sự chăm sóc ân cần”. 

Khi Tùng Dương vào nghề thì nhạc sĩ đã không còn. “Qua những gì tôi biết về ông, hay qua lời kể của chị Trinh, chị Diệu- em gái ông, tôi luôn cảm nhận ở ông một sự thâm trầm, sự lỗi lạc mà ở đó nỗi buồn nhiều hơn niềm vui”, anh nói. “Ông hiểu hơn ai hết sự trầm luân của 
đời người”.

Tấn Minh chưa từng gặp Trịnh Công Sơn. Anh nghe nhạc Trịnh từ bé và… không cảm nhận được ngay. “Vào nghề (16 tuổi) cũng chưa thích”, Tấn Minh nói. “Chắc là do tuổi trẻ nông nổi không hiểu gì. Ngoài 20 tuổi, tôi mới bắt đầu thích nhạc Trịnh khi nghe Tuấn Ngọc hát Phôi pha”. Sau đó, Tấn Minh mới bắt đầu tìm nghe những bài Trịnh khác do Tuấn Ngọc hát.

Những cách tiếp cận khác

Nhạc sĩ Bảo Phúc ngay từ năm 1996 đã “nhận ra” Mỹ Linh và thu cả một đĩa nhạc Trịnh cho cô. Mỹ Linh hay hát và cũng thích nhất Em hãy ngủ đi. “Ông có nhiều bài hát ru đều dành cho nữ và rất dịu dàng. Có thể trước hết ông là người đa tình. Thứ hai các mối tình của ông khá là… không đi đến đâu. Thành ra ông viết nhạc tình rất hay, nhất là những bài hát ru. Người ta chỉ ru khi người ta không có thôi…”, Mỹ Linh phỏng đoán.

Hà Trần tự cho mình có duyên với nhạc Trịnh, và việc hát nhạc Trịnh (dù không nhiều) góp phần khiến cô nổi tiếng. Hà hay hát nhất Vết lăn trầm- bản blues hiếm hoi trong kho tàng nhạc Trịnh. Cô cũng trình diễn nhiều lần trong các đêm tưởng niệm của hội Trịnh Công Sơn ở Pháp.

Hà Trần thích những bài hát đơn giản, ít triết lí của Trịnh Công Sơn. “Có lẽ vì tôi phức tạp, nên thích những điều giản dị”, cô nói. Tùng Dương thiên về khía cạnh tâm linh. “Từng lời tà dương là lời mộ địa, từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe”- những triết lý đạo Phật trong bài Một cõi đi về vẫn “ám ảnh” anh. “Một ca khúc khác đã rất phổ cập nhưng tôi vẫn luôn muốn hát là Ru ta ngậm ngùi”, Dương chia sẻ. “Bài hát là sự thách thức với quãng giọng của bất cứ ca sĩ nào”. 

 “Thế hệ của tôi, chắc chắn hát và cảm nhạc Trịnh sẽ khác”, Tùng Dương khẳng định. “Khán giả hôm nay có tinh thần mở hơn để đón nhận sự giao thoa chứ không quá đóng đinh vào đỉnh cao của quá khứ. Nhạc của ông tôi cảm nhận không bị cũ theo thời gian, ai cũng cảm thấy có mình trong đó. Do vậy, kể cả nhạc Trịnh, tôi cũng ủng hộ các bạn trẻ thử nghiệm. Để có tiếng nói riêng, cá tính riêng của ngày hôm nay. Cái gì đẹp đẽ thiêng liêng nhất vẫn ngự trị ở đó. Chỉ có cách tiếp cận khác”.  

Lượt xem: 1259
( theo Tiền phong Online ) - Thứ hai, 27/02/2017, 10:48 GMT+7
Tin mới nhất:
Các tin khác:
1 - Từ khóa
2 - Thành phố - Địa điểm
3 - Thời gian
Từ ngày
Đến ngày
4 - Trạng thái
Đối tác – Khách hàng