Đang tải dữ liệu ...


NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long: Từ điển của tôi không có từ “chạnh lòng”

Lần đầu tiên có một chương trình tôn vinh 4 giọng ca nam thuộc 4 dòng nhạc khác nhau, dưới tên gọi “Danh ca Việt Nam” (dự kiến diễn ra vào ngày 16.7 tới, tại Cung Văn hóa Hữu Nghị). Ca sĩ Tấn Minh - 1 trong 4 người, cũng chính là biên tập và đạo diễn chương trình trò chuyện với “Buffet cuối tuần” về cái gọi là “nam tính” trong nhạc Việt.

Danh xưng không phải để xưng danh
“Danh ca Việt Nam” - anh có nghĩ đó là một cái tên hơi “to” quá không, lại có cả tên mình trong đó?
- Cần phải nói ngay rằng, “Danh ca Việt Nam” không phải là một cái “bảng tên” được gắn riêng cho 4 “ông” này, mà trong thiện chí của nhà tổ chức, thì đây là chương trình mở đầu cho một fomat xuyên suốt nhằm tôn vinh những giọng ca đã được “thử lửa” qua thời gian và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của nhạc Việt.
Tới giờ này, bản tính của tôi thế nào trong âm nhạc thì đồng nghiệp và công chúng cũng đã đều biết rõ. Làm nghề lâu năm, cái tên của mình, giọng hát của mình, bản lĩnh sân khấu của mình, sự yêu mến của khán giả dành cho mình... - bằng ấy “của nả” đã là quá đủ! Còn thì danh xưng có hay không có, không quan trọng. Với tôi, cũng như nhiều bạn nghề mà tôi biết, danh xưng không phải để xưng danh.
Hồi giờ, nhạc Việt gây cảm giác “âm thịnh, dương suy” vì danh hiệu “bộ tứ diva” chị em ẵm trọn, còn các anh thì bị cho “ra rìa”. Gần đây mới có thêm từ “divo” cho Tùng Dương. Anh có nghĩ, đấy cũng là một “thiệt thòi” cho những giọng ca nam “số má”?
- Như đã nói, danh xưng nếu không phải để xưng danh thì cũng chẳng có gì thiệt thòi ở đây cả. Chưa kể, nam có “nhường” nữ một chút cũng chả chết ai! (cười). Ngay cả các chị “diva”, ở gần họ lâu năm tôi biết, thật ra các chị ấy cũng không quá quan tâm đến nó đâu, chứ đừng nói là vỗ ngực tự nhận. Những người giữ được lửa nghề lâu năm, họ sẽ có ý thức gọi tên mình bằng chính những nội lực tự thân của họ, ngọn lửa trong họ, hơn là bằng những cái tên do người khác đặt cho mình, dù là bằng tất cả sự yêu mến hay bản thân họ cũng tự thấy ít nhiều xứng đáng. Còn những danh hiệu tự phong hoặc được nói vống lên kiểu “ông hoàng bà chúa” thì nhìn đi, xem được mấy người thành, cái “ngai” nào trụ vững? Làm nghệ thuật muốn dài hơi thì bên cạnh ý chí phải giữ được một sự hồn nhiên nhất định, chứ nếu cứ suốt ngày hướng đến cái danh nọ danh kia thì cuối cùng cũng chỉ làm nô lệ cho một chiếc áo mà thôi! Chẳng có chiếc áo nào bền mãi cả.
“Tuấn Ngọc - Tấn Minh - Trọng Tấn - Tùng Dương” - 4 chữ T này thì liên quan gì đến nhau nhỉ?
- Liên quan vì... rất không liên quan (cười). 4 ông, 4 dòng nhạc, 4 mảng màu, 4 cá tính, phong cách, có lẽ là lần đầu tiên được “đối nhau chan chát” trong một bố cục chương trình được “đo ni đóng giày” riêng cho bộ tứ. Ngoài những ca khúc “nằm lòng” của mỗi người, như Tuấn Ngọc với những bản nhạc xưa lãng tử phong tình: Mắt biếc, Riêng một góc trời..., Tấn Minh với những khúc ballad nhẹ nhàng ấm cúng: Bức thư tình đầu tiên, Phượng hồng...; Trọng Tấn với những bản tình ca đỏ trầm hùng mà trìu mến: Tiếng đàn bầu, Những ánh sao đêm, Tình em...; Tùng Dương hào sảng phơi phới với những bản tình ca đỏ của hôm nay như: Ôi quê tôi, Con cò..., cũng sẽ có những màn song ca, tam ca, tứ ca bất ngờ và ăn ý khác, thông qua những bản hòa âm phối khi mới của giám đốc âm nhạc Dương Cầm. Mấy khi các anh được “độc diễn”, cũng phải cố làm cho ra tấm ra món để chị em còn nhìn vào nữa chứ! (cười).
Quan trọng là “bộ nhận diện”
 
 
Nhạc Việt từng chứng kiến những bộ tam, bộ tứ đậm màu nam tính như Qúy Dương - Trung Kiên - Trần Hiếu, hay sau này là Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn...; nhưng cũng mất một thời gian khá dài “đánh bóng” bằng những gương mặt chải chuốt, “xinh trai”, “giàu nữ tính”... ; hoặc ít ra là “unisex” (trung tính). Nam tính cho nhạc Việt, theo anh có phải là thứ chúng ta cần tìm lại?
- Những giọng ca mà bạn vừa nhắc đều thuộc phong cách thính phòng; còn cái gọi là “nữ tính”, “xinh trai” kia lại thuộc về một bức tranh và dòng chảy khác. Âm nhạc có nhiều dòng chảy, nhiều thị hiếu, thể dạng..., có cung thì tự khắc có cầu, chẳng việc gì phải đi tìm và cũng chẳng nên kỳ thị bất cứ dòng nào cả. Giới tính không làm nên giá trị âm nhạc. Một giọng nam èo uột chưa chắc đã nam tính hơn một giọng nữ có lửa, và ngược lại. Quan trọng vẫn là ngọn lửa ở trong tiếng hát đó, liệu nó có thể cháy sáng được đến đâu, tới lúc nào, truyền hơi ấm được đến ai... “Đẹp trai có gì là sai”, và... “không đẹp trai cũng không sai” nốt! (cười).
Tôi tin là đã qua lâu rồi thời ca sĩ lệ thuộc vào ngoại hình, dù tất nhiên nếu có được cả thanh và sắc thì còn gì bằng. Chị Siu Black có đẹp không, nếu là theo chuẩn thông thường? Nhưng đã bao người bị cuốn theo những cái khuẩy tay, lắc hông và những tiếng gằn đầy ma lực của chị. Trọng Tấn, Việt Hoàn, Tùng Dương hay Tấn Minh thì đã bao giờ mạnh về sắc vóc. Nhưng cái “sắc vóc” đáng kể nhất, ở một ca sĩ, thì vẫn phải chính là giọng hát, sức quyến rũ của nó. Vì vậy, điều quan trọng nhất theo tôi không phải là nam tính hay nữ tính mà là “nghệ sĩ tính”.
Cơ hội, tôi nghĩ, chia đều cho nhau. Ăn thua là ngọn lửa nào làm nên năng lượng.
Anh có nghĩ, nam ca sĩ thì thường khó thay đổi phong cách hơn nữ ca sĩ, ít ra là ở vẻ ngoài?
- Tôi không nghĩ thế. Cái váy dài hay ngắn, ôm sát hay không ôm sát, thì cũng vẫn là cái váy. Bộ vest, cách điệu hay không cách điệu, thì cũng vẫn là bộ vest. Về cơ bản, vẫn là yếu tố “ngoại”, không phải “nội”. Thay đổi về chất, thay đổi từ bên trong mới là đáng kể! Nhưng thay đổi gì thì thay đổi, cũng phải trên cơ sở “bộ nhận diện” riêng của mình. Tùng Dương vì sao thành công? Là vì dù có biến hình đến cỡ nào, thì cậu ấy cũng vẫn luôn biết quy về “bộ nhận diện” riêng của cậu ấy, hát nhạc nào thì cũng vẫn phải theo kiểu của cậu ấy, không lẫn đi đâu được, không ai bắt chước được. Đầy người có tài năng không thua kém, nhưng tiếc thay, “bộ nhận diện” không có, không xây dựng được “bộ nhận diện” cho mình. Cứ nhìn lại mà xem, hầu hết ca sĩ thành danh là đều dám đi đến cùng với những gì họ đã “cam kết” và lựa chọn. Cuối cùng thì vẫn hơn thua nhau ở cái gọi là bản sắc. Bản lĩnh và bản sắc.
Trong những bước đường làm nghề được cho là chậm mà chắc, “chả đi đâu mà vội” của mình, đã bao giờ anh cảm thấy chạnh lòng trước những giá trị hào nhoáng, “đi ngang về tắt”?
- Trông tôi “khép kín” thế thôi, nhưng thật ra, tôi lại là một tay rất cởi mở đấy! Ai “xinh trai”, tôi mừng cho họ. Ai không “xinh”, thì về đội của tôi, cũng không sao cả! (cười). Trong từ điển của tôi không bao giờ có từ “chạnh lòng”. Làm nghề gần 30 năm nay, không lẽ không biết rõ điều mình có?
Xin cảm ơn anh.

 

 

Lượt xem: 1080
( theo Lao động ) - Thứ hai, 10/07/2017, 10:42 GMT+7
Tin mới nhất:
Các tin khác:
1 - Từ khóa
2 - Thành phố - Địa điểm
3 - Thời gian
Từ ngày
Đến ngày
4 - Trạng thái
Đối tác – Khách hàng