Đằng sau là ban nhạc chơi live, phía trước là khán giả hải ngoại, Hà Trần ở giữa, cất tiếng hát: “Mình buồn vì tim mình đau/ Mình buồn thì ai thấu đâu/ Từng lời yêu chưa hết câu, nước mắt đã dâng khóe sầu/ Đừng bên nhau nếu không vui, em muốn thấy anh cười/ Vì yêu nên em xin anh cứ đi...”.
Diva nhạc Việt không phải dụng công quá nhiều, nôm na là không tốn sức. Chị vẫn nhún nhảy, đong đưa và hấp dẫn theo cách riêng, dù có đôi chỗ sai lời. Thoáng có tiếng hú hét từ dưới khán phòng, hình như là ủng hộ. Hà Trần chưa hát hết bài, khán giả đã vỗ tay như pháo. Nữ ca sĩ cúi người cám ơn.
Hà Trần là một trong bốn giọng ca được mệnh danh là diva nhạc Việt. Ảnh: Việt Hùng. |
Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu đó là một ca khúc trong Bản Nguyên -album vừa đoạt giải Cống hiến 2017, hay một sáng tác của Trần Tiến - vốn làm nên “bản sắc” âm nhạc của Hà Trần. Nhưng lạ là ở chỗ, Hà Trần - một trong bốn diva nhạc Việt - đã hát một ca khúc của Vương Anh Tú, gắn liền với tên tuổi của Hari Won.
“Trình của một diva, bài hát bình thường cũng thành tuyệt phẩm”, một người phản hồi phía dưới đoạn clip. Một ca sĩ thì bình luận trên mạng xã hội “Ôi khác hẳn. Nói chung là bài gì đi nữa, nhạc gì đi nữa, vào giọng hát này và cái đầu có trình độ cao cấp nó cũng phải khác”.
Hà Trần được tung hô trong khi Hari Won vô tình lại bị “dìm hàng”, y như khi danh ca Thanh Hà hát lại ca khúc này. Nhưng giới mộ điệu Trần Thu Hà – một giọng ca được nhận xét là dị nhân, "tắc kè hoa", không ngại tìm tòi, sáng tạo và cống hiến – lại có một góc nhìn khác.
Những thắc mắc được đặt ra, kiểu như: Hà Trần thỏa hiệp trên sân khấu hải ngoại? Chấp nhận hát nhạc thị trường, danh xưng diva có còn là “đền đài?”.
Nếu không có đoạn clip đăng tải trên mạng, không ai nghĩ rằng, có ngày Hà Trần lại hát Anh cứ đi đi – một ca khúc từng bị ban chuyên môn của giải Âm nhạc Cống hiến loại khỏi danh sách đề cử vì cho rằng “chỉ được sự yêu thích của số đông trên mạng chứ phần âm nhạc không có nhiều giá trị”. Do vậy, chưa xứng đáng để tôn vinh.
Chẳng là, trong buổi họp báo công bố đề cử của giải Âm nhạc Cống hiến dịp đầu năm nay, trước thắc mắc về việc Anh cứ đi đi gây bão mạng xã hội trong năm 2016, được nhiều người cover lại bị “loại”; đại diện ban tổ chức thẳng thắn cho biết ca khúc của Vương Anh Tú không đáp ứng tiêu chí ''có những tìm tòi, sáng tạo, đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng" của giải.
Công bằng mà nói, Anh cứ đi đi có ca từ dễ nghe, giai điệu nhẹ nhàng, bắt tai. Vương Anh Tú sáng tác ca khúc này theo phong cách ballad Hàn Quốc, được cho là “đo ni đóng giày” cho Hari Won, nói như chính tác giả thì “Dù có ai hát, Hari Won vẫn là người hát hay nhất”. Nhưng nếu phải phân loại thì đúng là "nhạc thị trường".
Hình ảnh Hà Trần biểu diễn trong đêm nhạc Hà Trần hát Trần Tiến vào năm 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng. |
Người ta bảo diva nhạc Việt chỉ thực sự là "gác tía lầu son" khi ở trong nước, còn một khi đã chấp nhận đứng trên sân khấu hải ngoại thì "thượng vàng hạ cám", hát theo yêu cầu. Show diễn thì mô hình "lẩu thập cẩm", nhạc nhẹ chính thống, nhạc thị trường, bolero đủ cả.
Thế nên, không chỉ có chuyện Hà Trần hát nhạc của Hari Won mà việc diva nhạc Việt là ca sĩ hát trong đêm nhạc của các "ngôi sao" như Đàm Vĩnh Hưng cũng chẳng có gì là hiếm. Ở hải ngoại, dường như "chất" nhạc quan trọng hơn gương mặt. Thế nên, câu chuyện "âm nhạc mỗi người mỗi khác", có thể không phải thứ quan trọng.
Nói "đánh mất mình", nghe có vẻ nặng nề. Nhưng đúng là có chuyện diva Việt phải "thỏa hiệp" khi sinh tồn ở một cộng đồng nhỏ hơn trong nước và thói quen thưởng thức âm nhạc cũng khác. Không đến mức "nhạc gì cũng nhảy" nhưng để chiều lòng "thượng đế", ca sĩ không thể cứ giữ khư khư những "món hàng" của mình.
Thế nên, những giọng ca có tầm như Hà Trần có lẽ chỉ là chính mình khi biểu diễn ở Việt Nam. Được giới thiệu là diva, được tôn vinh với dự án kén người nghe Bản nguyên, được là Hà Trần hát Trần Tiến.
Ở trong nước, Hà Trần cũng như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh có vị trí của riêng mình. Diva vừa là danh xưng bán được vé, vừa là "chiếu trên" nhạc nhẹ, không phải ca sĩ nào muốn cũng có được.
Và ngay cả khi, các diva ít ra sản phẩm mới, chủ yếu làm khách mời đêm nhạc thì người ta vẫn "tặc lưỡi", đại ý họ đã có một thời đỉnh cao, không thể thiếu trên bản đồ nhạc Việt. Quan trọng hơn, người ta tin, diva luôn biết mình ở đâu, và không tuýp ca sĩ "cái gì cũng... hát".
Mặc lòng, khán giả đến Nhà hát Lớn Hà Nội có lẽ sẽ chẳng chịu được nếu Thanh Lam cất tiếng hát Destiny, còn Mỹ Linh - Hồng Nhung hòa giọng trong Trái tim của em cũng biết đau.