“Hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”
Trại hè thanh thiếu niên, trại hè kỹ năng, học kỳ quân đội, hay mới đây lại còn có thêm... học kỳ công an - “thực đơn” cho kỳ nghỉ hè của trẻ em thành phố xem ra mỗi lúc một đa dạng. Vậy, đâu là giá trị riêng của một trại hè âm nhạc?
- Trại hè thanh thiếu niên, học kỳ quân đội, hay học kỳ công an... theo tôi hiểu, hẳn cũng đều là nhằm giúp trang bị cho các con những kỹ năng sống cần thiết như: Tính kỷ luật, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sinh tồn... để thích ứng tốt hơn với đời sống hiện đại. Trại hè âm nhạc ít nhiều cũng cùng chung mục đích đó, khác chăng là ở phương thức truyền tải. Âm nhạc, với khả năng kết nối và sức lan tỏa của nó, đặc biệt là với độ tuổi thanh thiếu niên rõ ràng luôn giúp mang tới một bầu không khí chan hòa, tươi vui, thân ái và bay bổng nhất. Phải tận mắt chứng kiến các con vui sướng thế nào khi được khám phá bản thân và thăng hoa trong âm nhạc; được biết thêm những người bạn mới cùng sở thích sau ba tuần gắn bó cùng chơi cùng học; được nhận về những ánh mắt khích lệ, tự hào của ba mẹ, thầy cô, khi được xem các con biểu diễn trên sân khấu đêm Gala như những nghệ sĩ thực thụ (có em còn biểu diễn chính những ca khúc do mình tự sáng tác)..., thì lúc ấy mới thấy hết giá trị kết nối và lan tỏa của một trại hè âm nhạc.
Riêng với trại hè âm nhạc lần 3 này thì điều đáng nói là lần đầu tiên có được một trại hè âm nhạc bằng tiếng Anh tại Việt Nam, với sự góp mặt của các thầy cô bản ngữ. Cũng là trại hè âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam có được sự hợp tác quốc tế: Tổ chức Music Bridge (Quỹ âm nhạc và văn hóa dân tộc) do nghệ sĩ đàn tranh Võ Văn Ánh (từ Mỹ) sáng lập. Nghệ sĩ Vân Ánh là người đã góp phần đưa tiếng đàn tranh của Việt Nam ra đến thế giới, từng được đề cử Oscar 2003 cho nhạc nền phim, từng đoạt giải thưởng Emmy 2009 và được mời ngồi ghế giám khảo giải thưởng âm nhạc danh giá Grammy 2014 ở hạng mục World Music... Sự hiện diện của nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng quốc tế cùng Maius Philharmonic - dàn nhạc giao hưởng trẻ tư nhân đầu tiên tại Việt Nam nhằm chung tay gây Qũy giáo dục âm nhạc cho các bạn trẻ - chắc chắn sẽ truyền cảm hứng tới các con trên hành trình khám phá bản thân bằng tình yêu âm nhạc.
Nếu như trước đây, trại hè thường là phần thưởng dành cho những em có thành tích học tập vượt trội thì ngày nay, đã trở thành một sản phẩm giáo dục nhắm tới những gia đình có điều kiện. Có chút “giằng xé” giữa phép tính của một “bà chủ trường” và sự lãng mạn của một nghệ sĩ đứng lớp?
- Đúng là có một chút áy náy, khi biết rằng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để lo cho con một suất tham dự trại hè, dù mức học phí không hẳn là quá nặng. Nếu là mong mỏi, thì tôi mong rằng tất cả các con đều có được một kỳ nghỉ hè thực sự lý thú với những học kỳ quân đội hay học kỳ âm nhạc, để có được những trải nghiệm đáng giá, sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Cứ bảo trẻ con giờ sướng, nhiều lựa chọn, nhưng thật ra nhiều em thiệt thòi và cô độc lắm, vì guồng quay cuộc sống quá nhanh, vì cha mẹ quá bận rộn... Dẫu vậy, tôi vẫn tin rằng, sẽ ngày càng có nhiều bậc làm cha làm mẹ nhìn thấy rõ hơn “hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”.
Phần mình, tôi coi đây là “chiếc vé đi tuổi thơ” mà tôi đã may mắn có được vì nhờ nó, tôi đã được trẻ lại, được gặp lại mình của ngày xa xưa, cũng “phải lòng” âm nhạc bằng tất cả sự non tơ ngơ ngác của một tâm hồn con trẻ; được thêm lần nữa “làm mẹ”... Hạnh phúc không kém so với lúc được đứng trên sân khấu, là niềm vui được đứng trước những cô cậu học trò nhỏ, để có dịp đánh thức cái phần bản năng ân cần, chu đáo sẵn có trong mình. Gieo tâm hồn sẽ gặp được tâm hồn, tôi tin là vậy.
“Sẽ khác đấy, chờ đi!”
Điểm khác đáng kể nào, giữa một sân chơi truyền hình thực tế như Vietnam Idol Kids, The Voice Kids..., và một trại hè âm nhạc?
- Đã gọi là cuộc thi thì tính ganh đua rất mạnh. Nhưng trại hè thì khác, đấy là nơi để giao lưu, kết bạn, tìm bạn và cũng đồng thời tìm thấy mình. Ở đó không có ngôi sao.
Anna Trương - con gái chị, chỉ sau hơn bốn năm theo học tại ngôi trường danh tiếng Berklee đã trở thành giọng ca chính của ban nhạc Lands, đi diễn tại nhiều bang của Mỹ. Nhưng trước đó ở Việt Nam thì lại bị cho là giọng mảnh và khó vượt qua được cái bóng của mẹ. Với trường hợp của Anna, chị có nghĩ mình đã nắm được nghệ thuật “gieo mầm”?
- Nếu như Anh Quân từng có quyết định sáng suốt là đưa Anna về Việt Nam khi cháu còn bé tý, thì tôi lại tự hào rằng tôi đã có công đưa Anna ra được tới thế giới rộng lớn bên ngoài kia, khi cháu dần khôn lớn. Bắt đầu bằng những lựa chọn chính xác về phương cách giáo dục, học ở đâu, học cái gì, vào thời điểm nào... mà tôi được quyền quyết định.
Bình thường, tôi vẻ như là người xuê xoa dễ tính, nhưng khi vào việc và dạy con, cũng như dạy học trò, tôi một mặt lại là người rất “rắn”. Làm nghề lâu để đủ hiểu: Trong âm nhạc, khả năng là một phần, nhưng điều quan trọng hơn cả, là cần biết tạo ra một môi trường để khơi dậy đam mê. Có đam mê thì khả năng đó mới được đánh thức và hình thành, từ đó mới hy vọng tiến nhanh và xa được. Anna, tận cho đến năm 12 tuổi vẫn không muốn đi theo nghề nhạc, nhưng tôi đã từng bước kiên trì thuyết phục, lúc nhu lúc cương, cho đến khi con xiêu lòng. Và rồi đúng là nghề chọn người, ở trường Berklee, mặc dù ngành Anna theo học là sản xuất và kỹ sư âm thanh, nhưng cuối cùng, trong môi trường âm nhạc tuyệt vời ấy, con đã trở thành giọng ca chính của một ban nhạc sinh viên đến từ nhiều nước...
Cùng với việc trong nước ngày càng có nhiều trường nhạc hơn, bao gồm cả tư lẫn công; lại có thêm một lứa sinh viên đang theo học tại những ngôi trường danh tiếng thế giới, tôi tin rằng đời sống âm nhạc ở ta trong tương lai gần sẽ được tiếp sức đáng kể bằng vào một thế hệ khác, được học hành bài bản hơn, tươi mới hơn, giàu năng lượng hơn... Sẽ khác đấy, chờ đi!
Xin cảm ơn chị!