Ngay khi đó, giới chuyên môn đã dự đoán, nền âm nhạc Việt Nam sắp xuất hiện một ngôi sao mới.
Những dự đoán ấy quả không sai. 20 năm sau, cậu sinh viên Trọng Tấn năm nào đã là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam đương đại. “Tiếng đàn bầu” năm nào đã ngân vang trong gió.
Thi vào trường nhạc vì nhà nghèo
Tốt nghiệp trung học, lên Hà Nội với ý định thi vào trường ĐH Tài chính và ĐH Kiến trúc, nhưng sau đó anh lại quyết định thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia VN) trong khi chưa biết chút gì về nhạc lý. Bây giờ nghĩ lại, anh thấy điều gì đã thôi thúc mình đưa ra quyết định khi ấy?
Tôi vẫn tin vào nhân duyên. Trước khi thi ĐH, tôi gần như không có khái niệm trong đầu rằng mình sẽ theo âm nhạc chuyên nghiệp. Từ khi còn là cậu bé học lớp 5, lớp 6, tôi đã mê âm nhạc, chơi đàn rồi tự hát, tham gia nhiều hoạt động ở trường và ở tỉnh, nhưng lúc đó chỉ thích và nghĩ là chơi vui vậy thôi. Nói là nhân duyên vì có những tác động phía bên ngoài mà buộc mình lựa chọn âm nhạc là duy nhất. Còn sau đó, tôi nghĩ âm nhạc đã chọn mình.
Lý do tôi thi vào trường nhạc là vì nhà nghèo. Lúc đó tôi chỉ nghĩ: “Nếu mình đỗ những trường kia, liệu mẹ có thể “gánh” được cho mình ăn học hết 4 - 5 năm ĐH?”. Trong khi ấy, học chương trình trung cấp của nhạc viện lúc bấy giờ thì không mất tiền, rất cởi mở với người không có tiền như mình. Vậy nên, tôi đã quyết định ngay mình sẽ thi vào trường nhạc.
Với anh, thời điểm nào có ý nghĩa quan trọng, tạo nên bước ngoặt cho sự nghiệp của mình?
Năm 1997, khi học năm thứ 3 tại trường, tôi tham gia cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội. Đó là bước đệm lớn, là bậc thang lớn trong việc mình xác định bước lên sân khấu chuyên nghiệp thế nào, làm nghệ sĩ chuyên nghiệp ra sao.
Nhưng đến năm 1999 mới là bước ngoặt thật sự khi tôi giành giải nhất Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc mà bây giờ là giải Sao Mai. Giải lúc đó chưa được tính là chuyên nghiệp, mới chỉ là liên hoan thôi, nhưng độ phủ sóng của truyền hình rất lớn, khán giả tập trung theo dõi rất hào hứng. Ca khúc Tiếng đàn bầu không chỉ thành công trong một mùa giải đó mà còn tạo nên dư âm đến tận bây giờ. Những ai đã theo dõi con đường tôi đi hẳn vẫn còn lưu lại cảm giác lần đầu tiên nghe tôi hát Tiếng đàn bầu.
Vậy còn việc hình thành “tam ca đỏ” cùng với Đăng Dương và Việt Hoàn có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp âm nhạc của anh?
Đó cũng là nhân duyên. Nhân duyên đầu tiên là ba anh em học cùng thời, nhân duyên thứ hai là cùng tham dự cuộc thi. Năm 1998, sinh viên của trường tham gia Liên hoan Tiếng hát sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc. Thầy Quang Thọ đã ghép ba anh em thành tam ca hát bài Đường chúng ta đi. Tiết mục này được đánh giá xuất sắc nhất của hội thi năm ấy.
Sau hội thi, chúng tôi ngay lập tức được các bầu show Hà Nội biết và mời tham gia chương trình. Lần đầu tiên chúng tôi được chính thức là tam ca hát trong đêm biểu diễn chuyên nghiệp là đêm vinh danh các hoa hậu VN - 10 năm phút đăng quang tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô. Chúng tôi hát hai bài Việt Nam quê hương tôi và Trở về Surriento của Ý. Ở dưới, khán giả hào hứng vô cùng với việc có một tam ca nhạc đỏ như thế.
Sau đấy, ba anh em quyết định tập tành với nhau. Tam ca không có một cái tên nào, cái tên lớn nhất là tên của ba anh em đứng với nhau, rồi mọi người cứ gọi vui là “tam ca đỏ”. Nhưng, nói về con đường sự nghiệp, tôi nghĩ mọi sự rất tách bạch. Tôi, anh Hoàn, hay anh Dương khi đứng riêng đều có những sự nghiệp riêng, con đường riêng, khán giả riêng, bên cạnh những khán giả giao thoa của cả ba.
Quyết định khó khăn nhất
Năm 2013, anh quyết định dừng công việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN để chuyên tâm vào hoạt động nghệ thuật. Khi đó, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là chỉ trích anh. Anh đã đưa ra quyết định ấy như thế nào?
Cho đến giờ, đó vẫn là quyết định khó khăn nhất trong con đường sự nghiệp của tôi. Thực ra, tôi đã có những câu hỏi và những lúc chợt dừng lại để suy nghĩ khoảng 6 - 7 năm sau khi gắn bó với công việc giảng dạy. Tôi cảm thấy quá sức trong việc đi bằng hai chân, tôi đã tự hỏi: mình sẽ đi được bao lâu? Mình có làm tốt công việc giảng dạy? Và mình có làm tốt công việc biểu diễn?
Thầy Quang Thọ, khi ấy là trưởng khoa thanh nhạc, đã chia sẻ với tôi rất nhiều. Tôi đã suy nghĩ trong một thời gian và càng ngày nhận thấy có sự xung đột lớn giữa công việc cá nhân và công việc giảng dạy. Tôi không muốn làm việc gì mà không tới nơi tới chốn, vậy nên tôi đã quyết định dừng công việc giảng dạy, bởi thời gian để một nghệ sĩ đứng trên sân khấu không dài, nên tôi muốn ưu tiên cho sự nghiệp ca hát trước. Dù vậy, tôi vẫn có 1 - 2 lớp nhỏ, và giúp một số sinh viên trước khi các em tốt nghiệp.
Về đường dài, chắc chắn tôi sẽ quay lại với giảng dạy. Nhưng việc trở lại như thế nào, tôi sẽ tiếp tục công việc giảng dạy ở trường âm nhạc chuyên nghiệp, hay tự mở trung tâm của riêng mình thì trong vài năm tới, tôi sẽ quyết định.
Trọng Tấn luôn đắt show và cát sê luôn thuộc hàng cao. Không chỉ vậy, anh còn rất “mát tay” với việc kinh doanh. Đã xuất hiện những tin đồn Trọng Tấn có nhà triệu USD. Anh suy nghĩ thế nào về việc đó?
Trong số hơn 90 triệu dân, có bao nhiêu người đi học nhạc, sau đó làm được nghề bằng âm nhạc, và trong số những người làm nghề đó có bao nhiêu người tồn tại được, sống tốt bằng nghề? Nói như vậy để thấy, đó là một nghề nguy hiểm. Cũng không nên đem cuộc sống vật chất ra để tính giá trị nghệ sĩ. Bởi cuộc sống của nghệ sĩ hàng đầu của VN so với châu Âu, hay thế giới cũng có khoảng cách xa lắm.
Thậm chí, nghệ sĩ VN luôn phải ước giá như không phải chạy show quá tất tưởi như vậy mà mỗi năm chỉ làm một 1ive show thật lớn, sau đó nghỉ dưỡng, tập nhạc, làm sản phẩm chẳng hạn. Nhưng thực tế, nếu nghệ sĩ VN mà dừng lại là không có cái để tiêu (cười).
Tôi làm kinh doanh nghiệp dư thôi. Thị trường nắng mưa lắm, vận hành công việc cũng vô cùng phức tạp, mất rất nhiều công sức. Tôi cũng là người hơi đa đoan, ham khám phá, muốn làm gì cũng phải đến nơi đến chốn. Khi bắt tay vào kinh doanh cũng phải đọc và học rất nhiều.
Sống vì gia đình
Trọng Tấn đang có một gia đình “vợ đẹp, con khôn” mà nhiều người ao ước. Cuộc sống riêng của anh cũng rất bình yên. Điều đó không dễ dàng gì đối với một nghệ sĩ?
Tại sao bạn cần có gia đình, cần có vợ, có con, nếu như bạn không thật sự yêu gia đình? Nếu không, bạn nên sống một mình đi, hãy là một cá nhân sống đơn lẻ. Có rất nhiều người lập gia đình, nhưng gần như không chăm chút cho người thân yêu của mình. Tôi không nói như vậy để nói mình là người chăm chút cho gia đình bởi tôi có rất ít thời gian. Nhưng với tôi, gia đình là phần quan trọng, là phần cốt lõi nhất trong tâm hồn, cuộc sống của mình. Gia đình là yếu tố xuyên suốt, bao bọc đời sống của tôi. Tôi sống vì gia đình rất nhiều.
Tôi luôn cố gắng dành thời gian nhiều nhất có thể bên cạnh các con, dạy dỗ, chia sẻ về âm nhạc, cuộc sống, tương tác với các con trong việc tập đàn, học hành. Bây giờ tôi vẫn dạy các con học toán, học lý, học văn, vì ngày xưa “trộm vía” học cũng được được, nên bây giờ vẫn giảng dạy cho các con được (cười). Và thực sự việc đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc, cũng như khi cả gia đình quây quần bên nhau trong những dịp đi chơi, ăn uống, nghỉ ngơi, những lúc họp gia đình, hay đơn giản chỉ là ngồi chơi với nhau vào cuối ngày.
Vậy lúc rảnh rỗi anh thường làm gì?
Lúc không bận rộn, tôi dành gần hết thời gian cho gia đình. Tôi không có thói quen đi lang thang ngoài đường, ăn nhậu, cà phê tụ tập hay là đi chơi một mình. Tôi có nhu cầu chia sẻ rất lớn, nên có thời gian tôi muốn được chia sẻ với người thân yêu. Hai vợ chồng đi đâu cũng muốn đi cùng với nhau để nói những câu chuyện về công việc, đời sống, định hướng cho con cái, hay về những dự án âm nhạc. Bà xã tôi không làm âm nhạc nhưng rất tinh trong nghệ thuật.
Con trai và con gái cũng có thiên hướng nghệ thuật giống anh?
Cả hai con tôi đều đang học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Cậu lớn học trống jazz, cô thứ hai học đàn tranh ở khoa dân tộc. Rất vui vì hai bé có năng khiếu và rất yêu âm nhạc. Các con đang cố gắng để theo được con đường của bố. Còn bố thì cũng rất vui vì con đường bố đi có thể tương hỗ, hỗ trợ cho các con.
Xin cảm ơn anh!