Nếu một ngày có rảnh rỗi, tiện tay tìm kiếm thông tin về Lý Hải và xem những đoạn phỏng vấn sẽ thấy anh chẳng ngại ngần tâm sự về quá khứ nghèo khổ, từ tuổi thơ làm nông chăn bò, bắt cua, hái rau. Anh tự nhận: "Cái khổ đó nó đã ăn sâu vào mình từ lúc gia đình phải góp từng hũ mắm, 12-13 kg gạo gửi lên Sài Gòn cho mình ăn học".
Thế nên sau này, khi bắt đầu bén duyên với nghệ thuật, bắt đầu đi hát kiếm tiền, đối tượng khán giả phục vụ của Lý Hải không phải là những người ăn mặc lụa là, dáng vóc sang trọng mà là dòng nhạc bình dân, phục vụ người lao động.
Lý Hải ghi dấu ấn trong làng nhạc Việt với tuyển tập Trọn đời bên em. |
Và đến tận thời điểm hiện tại, khi cuộc sống đã sang trang, kinh tế ngày càng tốt hơn, trở thành một ông chủ lớn, một nhà làm phim có tiếng tăm, Lý Hải xuất hiện ở đâu, có diện gì trên người, người ta cũng sẽ thấy ở đó một… ông nông dân quê ở Mỹ Tho.
Người đàn ông với nụ cười rất hiền và lối nói chuyện dễ mến, thẳng thắn, ít màu mè và hầu như chẳng có scandal nào trong suốt hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật của mình.
Nhờ đó, anh có được sự yêu thương của khán giả. Điều mà không dễ để gây dựng được trong thời điểm hiện tại.
Yêu điện ảnh từ trong máu
Nếu như điện ảnh trở thành một cuộc chơi hấp dẫn vài năm gần đây đối với các ca sĩ khi họ liên tục cho ra mắt những phim ngắn ca nhạc, thì hãy nhớ rằng Lý Hải đã làm chuyện này cách đây…17 năm, từ album vol 2 Trọn đời bên em ra mắt vào năm 2002.
Thuở ấy, khi các ca sĩ nổi tiếng còn đang "quằn quại" trong những ca khúc tình yêu ủy mị và đang hưởng ức rất nhiệt tình "mốt" sang nước ngoài quay MV cho sang thì Lý Hải đã "chơi lớn" với những bộ phim ca nhạc được đầu tư kịch bản, cốt truyện rất rõ ràng.
Lý Hải yêu thích làm phim, luôn khiêm tốn và cố gắng tạo ra các sản phẩm có giá trị. |
Đến album vol 6 của Trọn đời bên em thì chi phí sản xuất album của Lý Hải đã lên đến 50.000 USD - một con số "khủng" ở thời điểm đó, trong đó chủ yếu là dành cho phần quay phim.
Học sinh, sinh viên trong cả nước những năm 2000 không ai là không nhớ và nhẩm theo những ca khúc của anh, bởi giai điệu dễ nhớ, bài hát ý nghĩa ca ngợi tình bạn, tình cha con, tình yêu đôi lứa như Khúc hát cha yêu, Yêu trọn con tim…
Đặc biệt, nhớ nhất là những hoạt cảnh phim hài hước, thú vị, được lồng ghép trong mỗi album mà ở đó Lý Hải sắm luôn vai trò diễn viên kiêm ca sĩ.
Thế nên việc chuyển qua làm phim, với một khán giả theo dõi sự nghiệp của Lý Hải xuyên suốt sẽ thấy chỉ thuần tuý là một bước phát triển tiếp theo của anh. Khi mà thị trường giải trí đã có nhiều biến động với sự ưu ái của công chúng nghiêng nhiều về điện ảnh.
Bình dân nhưng không rẻ tiền
Trong phim của Lý Hải rất ít khi xuất hiện nhà lầu, xe hơi, mỹ nhân rực rỡ, mà đa phần là những câu chuyện đời thường, được kể bằng ngôn ngữ bình dân, dễ thẩm thấu.
Các phần phim của Lật mặt thường có một công thức chung đó là: câu chuyện đơn giản, kết thúc lạc quan, có hậu, đề cao những giá trị nhân văn cơ bản như tình cảm gia đình, sự chân thành, tình bạn, tình mẫu tử… Khán giả có thể cười lăn cười bò từ đầu tới cuối, để rồi rơi nước mắt lúc nào không hay.
Tay ngang (nếu nói về mặt bằng cấp) để làm phim là có thật, nhưng không thể chối cãi là phim của Lý Hải cho người xem cảm giác về điện ảnh tốt hơn rất nhiều những bộ phim hiện nay đang rầm rộ ra rạp với các mác "điện ảnh" nhưng khi xem không khác gì một sản phẩm truyền hình lỗi.
Lý Hải xuất hiện ở đâu, có mặc gì thì vẫn là ông nông dân Mỹ Tho |
Điều này có phần đóng góp rất lớn từ khâu sản xuất phim của ê-kíp. Nếu ở Lật mặt 1 và 2, khâu hành động của phim được đánh giá khá tốt từ việc chịu chi, chịu làm thì đến Lật mặt 3 và gần nhất là Lật mặt: Nhà có khách, người xem sẽ thấy sự lên tay rõ rệt về mặt sản xuất của ê-kíp "tay ngang" này.
Mô hình núi giả cao 10 m được quay dựng trong phim trường ở Lật mặt: Ba chàng khuyết nhằm tái hiện lại chân thực nhất những cảnh quay sạt lở trên núi. Ở giai đoạn làm phim điện ảnh kiểu ra "sòn sòn" như bây giờ, chẳng mấy ai…rảnh ngồi làm những chuyện rất thủ công như trồng từng cái cây be bé, từng mái nhà xinh xinh, sắp xếp từng viên đá nhỏ, cân chỉnh đong đếm để có một cảnh quay chưa đầy 3 phút trên phim.
Hay đại cảnh giành giật chỗ chụp hình của gần hai trăm cặp đôi cô dâu - chú rể tại một địa điểm chụp hình cưới tại Đà Lạt vừa xuất hiện trong Lật mặt: Nhà có khách. Điều đáng nói là phim trường với chiếc cối xay gió cao tới 14 m tưởng chừng là một địa điểm "check in" mới của Đà Lạt thực tế lại là một sản phẩm nhân tạo do đoàn phim dựng lên để thực hiện riêng cảnh quay này.
Đây cũng là cách mà những nhà làm phim Hollywood thường áp dụng để tạo thêm giá trị cho tác phẩm của mình. Khán giả sẽ yêu mến và đánh giá cao chất lượng của bộ phim hơn khi biết nó được thực hiện một cách dụng công, tỉ mỉ, kỹ lưỡng với mỗi cảnh quay, cho dù đó chỉ là một chi tiết rất nhỏ.
Chính điều này đã khiến nhiều người đã đặt lên bàn cân để so sánh phim của Lý Hải với chất hài sâu cay đầy thâm thúy của Tinh Gia - Châu Tinh Trì. Tuy vậy, xét về sự nghiệp đồ sộ cũng như quá trình theo đuổi điện ảnh của Tinh Gia, Lý Hải chắc còn phải… khá lâu nữa mới bắt kịp.
Nhưng rõ ràng Lý Hải là một ca rất lạ: tay ngang nhưng người ta không thể coi thường. Và từ Lật mặt 3 trở đi đến nay, phim của anh ra mắt khán giả phải đi xem cái đã, hay hay dở, tính sau.
Chưa bao giờ… lỗ vốn!
Chính vì xác định rất rõ ràng đối tượng người xem của mình là tầng lớp khán giả bình dân, nhưng có chọn lọc, nên điều thú vị nhất của series Lật mặt là bộ phim này chưa bao giờ lỗ vốn.
Ngay cả năm 2018 - khi Lật mặt Ba chàng khuyết phải đối đầu với "đá tảng" Avengers: Infinity War, phim vẫn mang về cho nhà sản xuất 85 tỷ đồng, lọt ngay vào top 5 những bộ phim Việt có doanh thu cao nhất của năm 2018.
Tính đến hiện tại, điện ảnh Việt dường như chưa có khái niệm series phim điện ảnh, thì Lý Hải đã làm được một series tương đối dài hơi và bền bỉ như Lật mặt. Lật mặt 4: Nhà có khách vừa ra mắt cách đây chưa lâu đang làm "rúng động" giới điện ảnh khi tuyên bố thu về hơn 60 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày công chiếu chính thức.
Tất nhiên, trong thời buổi "vàng thau lẫn lộn", không có một đơn vị thứ 3 đứng ra kiểm chứng lại các con số "lu loa" từ nhà phát hành, người ta nghe vậy cũng chỉ biết… vậy.
Phần phim mới Nhà có khách bị khán giả ca thán là quá giống với bộ phim Thái Lan Tình người duyên ma từng gây sốt rạp chiếu Việt. Tình tiết rời rạc, thiếu kết nối, nhưng đổi lại chất hài nhây một cách duyên dáng trong phim của Lý Hải vẫn rất được lòng người xem. Cộng với ê-kíp sản xuất ngày một tốt hơn, phim vẫn có thị trường và bán vé được là điều dễ hiểu.
Với chừng đó lý do, có xứng đáng không khi gọi Lý Hải là "ông vua" của những thương hiệu mà chính anh là người "nhào nặn"?