Theo giải thích của ông Đinh Trung Cẩn, việc thỏa thuận, giao dịch riêng giữa tác giả và ca sĩ, việc công bố thỏa thuận về “ca khúc độc quyền” cũng phụ thuộc vào họ. Khi tác giả đã ủy thác khai thác quyền tác giả tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), trong trường hợp tác giả gửi văn bản thông báo cho trung tâm về việc đã bán tác phẩm độc quyền, trung tâm sẽ tự động loại trừ, không bảo hộ khai thác về mặt quyền tài sản đối với tác phẩm đó nữa. Còn nếu không có thông báo, việc sử dụng tác phẩm vẫn diễn ra bình thường, các đơn vị sử dụng chỉ cần liên hệ trung tâm để xin phép sử dụng.
Thực tế, không có một khái niệm cố định về “ca khúc độc quyền”, chỉ là xác định rõ việc “độc quyền” đó được thỏa thuận như thế nào, phạm vi độc quyền ra sao… theo hợp đồng giữa tác giả và người được sử dụng độc quyền tác phẩm.
Với trường hợp ca khúc Nơi ấy bình yên mà ca sĩ Thảo Trang nhận là đã mua độc quyền, theo ông Cẩn, trường hợp này cần xem lại: mua độc quyền trong phạm vi nào, lĩnh vực nào, và kể từ khi mua độc quyền, ca sĩ đã thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đến đơn vị đại diện tập thể quyền tác giả… và đặc biệt là đã công bố rộng rãi đến công chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa…
Được biết, Minh Thụy - tác giả ca khúc Nơi ấy bình yên khi đăng ký tại VCPMC - Chi nhánh phía Nam không hề ghi đây là ca khúc độc quyền. “Đây cũng là lần đầu tiên trung tâm nghe đến chuyện ca khúc này đã được mua độc quyền từ công bố của ca sĩ Thảo Trang, không phải là từ tác giả Minh Thụy” - ông Cẩn khẳng định..
Việc tác giả hoặc ca sĩ chưa thực hiện công bố giao dịch của mình về ca khúc độc quyền, tức là chưa làm đúng luật, chính là lý do khiến các vụ việc tương tự vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại.