Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kêu gọi đoàn viên và người lao động đóng góp mỗi người một ngày lương và tiếp tục nhắn tin (HSTS gửi 1407) ủng hộ để giúp lực lượng chấp pháp và ngư dân.
Báo Lao Động xin gửi tới quý độc giả toàn văn bài phát biểu của ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
"Kính thưa quý vị đại biểu,
Thưa các đồng chí và các bạn
Những ngày qua, Trung Quốc đã ngang ngược xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, họ đưa giàn khoan Hải Dương 981, cùng trên 130 tàu các loại, kể cả tàu quân sự, máy bay vào sâu trong vùng biển nước ta. Họ đã đâm, phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của ta làm 24 tàu (trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển) và trang thiết bị trên tàu hư hại, nhiều cảnh sát biển, kiểm ngư bị thương. Họ đã xua đuổi tàu cá, phá hoại ngư cụ, đánh đập ngư dân ta và đặc biệt đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá bình thường ở ngư trường truyền thống này. Đây là những hành động ngang ngược, vô nhân đạo, bất chấp luật pháp quốc tế.
Trước việc chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng, 90 triệu con tim Việt Nam ở trong nước và hàng triệu đồng bào ta ở nước ngoài đã kết thành một khối, tạo thành sức mạnh vô song của lòng yêu nước. Dư luận quốc tế cũng đồng loạt lên án mạnh mẽ hành vi ngang ngược và hết sức vô lý của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam.
Để bày tỏ ý chí của nhân dân Việt Nam đang hướng về biển đảo, luôn bên cạnh lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân Việt Nam đang ngày đêm đối diện với hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình nghệ thuật "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, tiếp tục phát động Chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” kêu gọi đoàn viên và người lao động đóng góp mỗi người một ngày lương và tiếp tục nhắn tin (HSTS gửi 1407) ủng hộ để giúp lực lượng chấp pháp và ngư dân mua sắm, sửa chữa các tàu bị hư hại, các trang thiết bị máy móc, ngư cụ và những vật dụng cần thiết để yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, giúp cho gia đình các lực lượng chấp pháp, gia đình các anh hùng liệt sỹ hy sinh ở khu vực bãi Gạc Ma, gia đình tử sỹ hy sinh ở Hoàng Sa và ngư dân đang gặp khó khăn, đồng thời xây dựng tượng đài anh hùng chiến sỹ Gạc Ma tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Thông qua Chương trình nghệ thuật "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xin chân thành cảm ơn các tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cả nước và kiều bào ở nước ngoài trong những ngày qua đã có nhiều hoạt động thiết thực để thể hiện lòng yêu nước hướng về biển đảo với tất cả tấm lòng và tin tưởng rằng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của hàng triệu trái tim của cả nước đang hướng về biển đảo thân yêu.
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, các đồng chí và các bạn."
"Tâm thế của người thực thi nhiệm vụ chính nghĩa”
Chia sẻ những câu chuyện thực thi nhiệm vụ từ điểm nóng Hoàng Sa, thượng úy Quản Đình Dương - thuyền trưởng tàu cảnh sát biển (CSB) 2016 không giấu nổi niềm tự hào: "Chúng tôi đi bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, với tâm thế của người thực thi nhiệm vụ chính nghĩa, bởi vậy, những hoạt động ngăn cản của Trung Quốc ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam khiến quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi càng cao hơn”.
Cũng trở về từ Hoàng Sa với những bài báo nóng hổi, những thước phim ấn tượng từ thực tế hiện trường, phóng viên báo Lao Động Phan Thanh Hải chia sẻ: "Chúng tôi đã phải chen nhau đăng ký, xếp hàng rất quyết liệt mới được cơ quan chức năng xét để tạo điều kiện theo những con tàu chấp pháp ra Hoàng Sa đầu tiên.
Nhìn hình ảnh con tàu CSB, tàu kiểm ngư bị móp méo, đầy thương tích, tôi cảm thấy như tim mình bị bóp nghẹt. Trong 8 ngày trên vùng biển nóng Hoàng Sa, tôi đã có dịp sang thăm nhiều tàu CSB Việt Nam, chứng kiến khả năng tinh nhuệ các chiến sỹ trẻ khi tác chiến, một tinh thần quyết liệt vì chính nghĩa, vì dân tộc."
Có 3 người con và 2 cháu đều là CSB, đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa, bà Phan Thị Chung quê ở Diễn Châu, Nghệ An – mẹ của thiếu tá Hoàng Quốc Đạt – thuyền trưởng tàu CSB 4032 và 2 chàng rể Nguyễn Đức Hạnh và Lê Hùng đều là CSB đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa xúc động nói: "Là mẹ, ai mà không sốt ruột khi thấy các con mình phải ngày đêm đương đầu với sự cản phá nguy hiểm từ các tàu của Trung Quốc ngoài biển, nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, chúng tôi vẫn động viên các con yên lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ra khơi để gìn giữ bờ cõi ông cha
"Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển từ bao đời của ông cha chúng tôi. Làm nghề đánh cá thì dù thế nào cũng phải ra khơi bám biển. Hiện con tàu của tôi mới bị Trung Quốc đâm chìm, hư hỏng nặng, nhưng khi có tàu, tôi sẽ lập tức ra khơi”. Đó là tâm sự của anh Đặng Văn Nhân - Thuyền trưởng tàu đánh cá ĐNa- 90152 vừa bị Trung Quốc đâm chìm tại Hoàng Sa ngày 26.5.
Anh Nhân kinh hoàng kể lại: Khoảng 16h ngày 26.5, tàu ĐNa 90152 đang đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa, khu vực gần đảo Tri Tôn, cách giàn khoan trái phép của Trung Quốc khoảng 17 hải lý thì phát hiện một tàu sắt Trung Quốc số hiệu 11202, giả dạng tàu đánh cá, chạy đến.
Tàu Trung Quốc đuổi theo tàu ĐNa 90152 của chúng tôi với vận tốc rất cao. Anh em ngư dân trên tàu chỉ tưởng nó đe dọa thôi, ai ngờ nó đã rắp tâm sẵn, nên khi đuổi kịp thì nó dùng mũi tàu sắt đâm vào đuôi mạn phải, làm tàu mình vật nghiêng, gãy bánh lái sau. Rồi nó lùi lại vòng qua mạn trái, tông tiếp, khiến tàu mình lật ngược lại, chìm luôn. Sự việc diễn ra chỉ trong vòng 5 phút.
Khi tàu chìm, 7 anh em trên boong tàu kịp nhảy xuống biển, thoát chết, còn tôi và 2 thuyền viên khác bị mắc kẹt bên trong con tàu chìm. Lúc đó tôi tưởng đã chết.
Trước câu hỏi liệu có đi biển lại không? ngư dân Nguyễn Tấn Hải ở Bình Châu, Quảng Ngãi - 1 trong 2 ngư dân trên tàu cá QNg 90205 bị Trung Quốc tấn công cướp hết tài sản và đánh đập đến ngất xỉu - mới ra viện khẳng khái tuyên bố: "Đi chứ. Nếu không có cuộc giao lưu này thì hôm nay em đã ra biển lại rồi. Mình là thuyền trưởng, theo tàu là cả chục anh em, phải cùng họ ra Hoàng Sa để còn góp phần giữ gìn bờ cõi ông cha nữa chứ”.
Hải nhớ lại: "Đêm 16.5, anh em trên tàu QNg 90205 chia ra hai xà lan xuống biển lặn bắt hải sâm, chỉ còn em và Lê Anh ở lại trên tàu. Giữa đêm đen, tàu kiểm ngư Trung Quốc số hiệu 306 bất ngờ áp sát, những kẻ cầm dùi cui nhảy vào tàu, cướp lái rồi thay phiên nhau đánh đập em tới tấp. Đến khi em bất tỉnh, họ tiếp tục hung hăng đập vỡ hết cửa kính, ICom, máy dò, thiết bị trên tàu...
Trong khi lùng sục boong tàu để lấy cá, hút dầu, kiểm ngư Trung Quốc phát hiện ra Lê Anh và tiếp tục dùng dùi cui đánh mạnh vào đầu, đá thốc vào bụng, hông, sườn… đến khi cả hai đều kiệt sức không thể gượng dậy được”.
Mang theo một vật giống mỏ neo có cạnh sắc thu được ngoài biển và những tấm lưới bùng nhùng bị Trung Quốc cắt nát– bằng chứng về sự phá hoại của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam ra Hà Nội, ngư dân Bùi Đình Biền ở Gio Linh, Quảng Trị khẳng định chắc nịch: "Bọn chúng tưởng cứ phá hết ngư cụ là xong, nhưng chúng tôi không buông xuôi đâu. Khắc phục xong, tàu tôi lại lên đường, thẳng tiến ra Hoàng Sa”.
Chuyến đi biển vừa rồi, tàu anh Biền bị thiệt hại 30 tấm lưới bùng nhùng.
Thiệt hại và hiểm nguy khôn lường là vậy, nhưng thuyền trưởng Đặng Văn Nhân và những người ngư dân như Nguyễn Tấn Hải, Lê Anh và Bùi Đình Biền vẫn kiên định: "Nhất là khi Tung Quốc lấn chiếm thế này, ngư dân chúng tôi càng phải có mặt để vừa làm ăn, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.
Một số hình ảnh tại chương trình:
(Theo laodong.com.vn)