<?> Mỹ Linh nói rằng đây là khoảng thời gian trong năm mà vợ anh không thể rời Hà Nội. “Cảm xúc mùa thu” với anh thì sao? Hay mấy vụ “mơ màng” đó chỉ là chuyện của… phụ nữ?
- Tôi không nghĩ đàn ông lại thiếu lãng mạn hơn phụ nữ đâu, có khi còn lãng mạn hơn là khác. Chỉ có điều, họ ít khi nói ra mà thôi. Sau những ngày hè dớp dáp, hay những ngày đông co ro, cúm rúm, tiết thu thường cho người ta cảm giác dễ chịu về sự khô khén, sạch sẽ, khiến người ta cảm thấy mình dễ dàng… đứng thẳng người hơn, lòng người như cũng thay áo mới, nhiều xúc cảm và năng lượng hơn. Mùa thu Hà Nội, cũng thường là mùa của live show, hẳn là vì vậy.
<?> Live show, được hiểu là một món quà cho chị em nhân Ngày Phụ nữ VN. Ngoài những gì đã nói trên sân khấu, anh còn muốn nói gì thêm với những khán giả nữ của mình không?
- Ừ thì, có thể người ta luôn cần một cái “cớ” để tiện bày tỏ với nhau một điều gì đó, để sực nhớ ra một điều gì đó. Nhưng dù sao, một ngày cũng chỉ là một ngày mà thôi, và không nên trông cả vào những phép “vẽ vời”. Món quà lớn lao nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau đôi khi lại chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, mà từng ngày chúng ta giản dị vun xới.
<?> Trước những lời “khích tướng”: “Chồng diva chuyên ở nhà chăm con…”, anh từng nói: “Tôi luôn biết rõ chỗ tôi đang đứng và tôi có thể làm được gì tốt nhất cho người thân. Gì chứ riêng về khoản chăm con, tôi là thằng đại khéo và làm nó một cách vui vẻ, tự nguyện. Thế nên ở với tôi, Linh có thể đi diễn cả tháng trời mà không phải lo lắng gì…”. Nói thì dễ, nhưng thực ra làm có khó không, thưa anh?
- Chuyện sẽ tương đối khó nếu như diễn ra suốt một thời gian quá dài và người vợ “hồn nhiên” quá mức. Nhưng nếu như người vợ có ý thức và biết xử sự khéo léo thì mọi sự sẽ được thu xếp ổn thỏa. Đành rằng, vợ chồng luôn luôn có thể “đổi vai” cho nhau tùy vào những thời điểm thích hợp, cũng như đặc thù công việc của từng người. Nhưng đừng quên, điều đó không có nghĩa là hoán đổi hoàn toàn vị trí cho nhau. Vì nói gì thì nói, không phải ngẫu nhiên mà tạo hóa từ ngàn đời này đã có một sự “phân công ngầm” (hơn là chúng ta tự phân công với nhau) cho “phận sự” riêng của mỗi giới. Khi rõ ràng là có những việc chỉ phụ nữ mới làm tốt hơn đàn ông, hay ngược lại…
<?> Không ít phụ nữ ngày nay thường kỳ vọng người đàn ông của mình vừa biết làm kinh tế, lại vừa phải… tinh tế. Yêu cầu đó theo anh có quá cao?
- Tương đối khó, vì thường ra, cái sự kiếm tiền cũng đã đủ khiến đàn ông quay cuồng đầu óc rồi, nhất là khi người phụ nữ của họ đặt lên họ quá nhiều kỳ vọng. Nhưng nói đi cũng phải có nói lại: Đúng là lúc này, quả thật có không ít đàn ông coi nhẹ việc gia đình, cứ nghĩ mang tiền về nhà là xong. Nên sau hai chữ “kinh tế”, người phụ nữ của họ nhiều khi thấy thèm chữ “tinh tế” là vì vậy.
<?> Quay trở lại với đời sống âm nhạc: Anh có thấy gần đây nhạc Việt đã trở nên “nam tính” hơn không, nhờ những giá trị dần dần được trả về đúng chỗ?
- Quả là như vậy. Mà ví dụ mới nhất là những làn “gió mùa” ấm áp mà đại nhạc hội Monsoon vừa thổi tới, khiến mùa thu Hà Nội năm nay càng trở nên dễ chịu. Tôi quả thực cũng thấy mừng, vì sau những thỏa hiệp yếu mềm, xộc xệch, đời sống nhạc Việt vẻ như đang dần trở nên vậm vạp, khỏe khoắn và “nam tính” hơn, khi mọi thứ đúng là đang dần được trả về đúng vị trí của nó.
- Xin cảm ơn anh.