Nói chung là một ca chắc chắn "tốn đàn bà” vì một hấp lực lẩn quất đâu đó trong cách ông chầm chậm phả khói hay khẽ chạm điếu thuốc vào cái gạt tàn, nhưng lại trả lời mọi câu hỏi nhanh như thể không cần suy nghĩ, mà vẫn đâu ra đấy, hoặc… trúng đâu thì trúng! Duyên! - Công nhận!
"Không phải tôi cần mà là Hà Nội cần"
- Live show của ông hay có… dấu 3 chấm nhỉ? Hết "Phú Quang - Chuyện đời tôi… bây giờ mới kể” và giờ lại "Hà Nội ơi… Còn mãi một tình yêu” (10,11/8). Có quá nhiều điều để nói, hay đấy chính xác là "sến” kiểu Phú Quang?
- Chả vì sao cả! "Sến siếc” gì ở đây! Từ đấy là tôi chúa ghét! Đơn giản là lúc nào cần 1 dấu chấm thì sẽ là 1, còn nếu cảm thấy cần 3 thì sẽ là 3, thế thôi…
- Một mình vẫn bán vé tốt, vậy vì sao lần này ông lại cần tới "lắm mình” đến vậy: hết Đoàn Chuẩn, Hoàng Dương…, đến Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Trọng Đài…?
- Không phải tôi cần mà là Hà Nội cần, khán giả cần. Để thêm lần nữa gật gù với nhau rằng: Hiếm có mảnh đất nào có được nhiều bài hát hay viết về nó như vậy. Đến nỗi, nếu cùng đặt lên một bàn cân, hẳn sẽ rất khó biết bài nào hay hơn bài nào…
- Người trẻ nhất trong đây tôi thấy chỉ có Việt Anh và Trương Quý Hải nhỉ? Ông từng nghe đến "Nồng nàn Hà Nội” của Nguyễn Đức Cường chưa nhỉ?
- Dĩ nhiên là rồi chứ!
- "Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu bao ánh đèn, ngồi ăn một quán ven đường… nhìn cụ già tập dưỡng sinh…” - Cái cách một người trẻ nhìn Hà Nội ở cự ly gần như thế, ông thấy sao?
- Hay chứ! Hoài niệm là một cách, nhưng nhìn cuộc sống một cách thô ráp và trực diện như thế cũng là một cách! Thế nên, vừa rồi tôi cũng đã định đưa vào nhưng chưa tìm được chỗ thích hợp. Vẻ như phải là một chỗ khác, cùng kênh cùng giọng hay sao đó…
- Già - trẻ, với ông, là cả một vấn đề?
- Không, chả bao giờ! Vì già cũng có thể có đầy người dở, và trẻ cũng có thể có đầy anh nhạt nhẽo, hay ngược lại…
- Hà Nội đã gọi được Phú Quang về nhưng khi nỗi nhớ đã được lấp đầy, thì vẻ như Phú Quang lại khó "có quà” cho Hà Nội? Ông có phật ý không nếu tôi hỏi rằng: Hà Nội thì mở rộng, còn Phú Quang thì không?
- À, hiện nay chưa mở rộng được vì chưa học được… tiếng Mường!
"Từ từ đi, vì tôi còn sống lâu lắm mà!"
- Đã không chịu "mở rộng” lại còn định thu hẹp thì phải! Hà Nội của ông hình như chỉ có quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ hay sao ấy nhỉ, túm lại cứ phải "mênh mông gương hồ”?
- Không, làm sao chỉ có thế được! Thế quận Đống Đa, phố Khâm Thiên của tôi để đâu? Nhưng đúng là mình thuộc tuýp hoài cổ thật! Không biết sao cứ nhớ cái nghèo mà đẹp ngày xưa. Một Hà Nội không có nhà cao tầng, hip hop; chỉ có những cô gái đạp xe đi ngoài đường nhẹ như không mà không cần ai biết mặt…
- Những "biểu tượng đường phố” mà không vào được ông sao, hay vì ông vẫn thường "không nhớ nổi một con đường”?
- Hip hop, không phải là không hay. Và người trẻ thì dĩ nhiên luôn có những cái lý riêng của họ. Nhưng giá kể mà họ chịu khó đọc sách hơn, thì chắc chắn họ sẽ còn hay hơn nhiều, thay vì suốt ngày lên mạng đọc báo. Mà báo mạng bây giờ chủ yếu là gì? Là cô này vừa tậu được siêu xe, cô kia vừa sắm được cái váy bạc tỷ… chứ gì?
Tất nhiên không phải là không có những bài báo tử tế, nhưng để tìm được nó, phải bới qua không biết bao nhiêu cái áo con, quần lót… Đời sống mà là thế sao! Đời sống đâu chỉ cái váy và cái quần sịp!
- Và vì thế, điều tử tế ông có thể làm là cứ mỗi độ thu về - ít nhất là thế - là lại có một đêm nhạc tử tế về Hà Nội?
- Tử tế hay không thì tôi chưa dám nói. Nhưng với tôi, một chương trình khiến được người ta "rưng rưng” là tôi thấy vui rồi! Chứ xem xong mà người ta cười như nghé thì nguy!
- Những đêm nhạc Phú Quang thì luôn dễ dàng bán vé mà không phải cần tới quá nhiều băng rôn. Nhưng kể ra, một lúc nào đó mà ông… "yêu mình” hơn, hoặc mạnh tiền mạnh bạc hơn để có thể chiều khán giả cả phần nghe lẫn phần nhìn thì hay hơn nhỉ?
- Cứ để tôi "cải tiến” từ từ đi! Vì tôi còn sống lâu lắm mà. Thế nên tôi có dám "tiêu hoang” bao giờ đâu - dân miền Bắc là thế! "Được mùa chớ phụ ngô khoai” - các cụ dạy rồi! Nên mỗi lần làm chương trình giỏi lắm cũng chỉ dám tung ra chừng 2 - 3 bài hát mới và thêm nếm một ít mắm muối ở đâu đó, thế thôi!…
- "Được mùa chớ phụ ngô khoai” - Đấy là bởi người ta đã từng mất mùa! Phú Quang mà cũng lo "mất mùa” sao?
- Chưa, nhưng ai mà biết được! Vì đâu phải ai người ta cũng yêu mình đâu! Nhỡ đâu có lúc người ghét mình nhiều hơn người yêu mình thì mình lại "giáp hạt” không chừng!
- Tưởng lúc này ông phải bình thản an nhiên trước mọi sự rồi chứ?
- Sớm hơn thế là khác! Từ năm 50 tuổi cơ! Nói chung tôi thường không có thói quen trò chuyện với kẻ thù.
- 50 tuổi mới bình thản theo ông là muộn hay sớm?
- Là vừa!
- Sự bình thản ấy đến từ đâu?
- Từ sự hiểu mình. "Tự mình biết riêng mình”! Rằng, không nhẽ, phải đợi người ta nói rằng: "Em dạo này béo nhỉ?”, hay "Anh dạo này gầy nhỉ?” thì mình mới biết mình béo hay gầy hay sao…
- Gần đây, một ngày của ông thường thế nào?
- Thì cũng vẫn thế thôi! Buổi sáng thì chơi lêu têu, café cà pháo. Chiều nhè lúc vợ đang đi làm thì nghe giao hưởng (vợ mình không nghe được giao hưởng), hoặc đọc sách, xem phim… Tóm lại là toàn những "đam mê lương thiện”!
- Giờ mới nói được câu "Ai cho tôi làm người "lương thiện”!” thì kể cũng hơi muộn nhỉ?
- Kể ra thì cũng cố gắng lâu rồi đấy chứ! Kể cho mà nghe, hôm rồi có người mang tặng cho tôi một cái tượng hay lắm, hình chân Phật, có thể dùng để chặn giấy. Nhưng quan trọng hơn, là chặn bớt "tham sân si” ở mình: chỉ nên tham vừa đủ, đừng tham quá…
- Vậy, nếu cái chân Phật ấy nhắc ông rằng… nên làm live show ít thôi, trừ khi có thêm bài mới?
- Nhưng vấn đề là tôi có làm giàu bằng live show bao giờ đâu! Tôi chỉ làm show khi hết tiền tiêu thì sao có thể gọi là "tham” được!
- Vậy thì có vẻ ông cũng… hay hết tiền nhỉ?
- Thì mỗi show sống được chừng 2 - 3 tháng , mà lương hưu thì chỉ có vài ba triệu, mình thì lại không biết làm nghề gì khác, không nhẽ để vợ nuôi?
"Đời tôi mua gì cũng phải trả giá đắt"
- Gần đây ông có hay theo dõi các game show không?
- Trước thì cũng có đấy, nhưng sau thì… chừa! Vì nhiều chương trình nó nhảm nhí quá! Nhảm nhí tới mức khiến mình chán luôn cả mình!
- Ô hay, can dự gì tới ông đâu nhỉ?
- Thế tôi hỏi cô, một ngày cô phải đọc chừng 20 bài báo dở, thử hỏi cô còn yêu được cái nghề của cô nữa không? Nghệ thuật lại càng phải làm cho người ta cảm thấy sung sướng chứ! Sao lại có thể suồng sã đến thế: Bài hát thì chen đủ Tây đủ Tàu, người hát thì không rõ lời, nghe nhiều lúc chả biết hát bằng tiếng gì. Đến tên ca sĩ còn phải độn! Không lẽ tiếng Việt giờ nghèo nàn thế hay sao?
- Ông từng nói, không ép con học đàn khi phát hiện cháu không đủ tình yêu. Không tình yêu thì sẽ khó mà chạm được tới đỉnh cao, mà nghề này nếu thế thì khổ lắm. Vậy, đỉnh cao của Phú Quang là gì?
- Tạm được thôi! Là có thể sống được bằng nghề.
- Nghĩa là chỉ mới "Quang” chứ chưa "Phú”?
- "Phú” thì chưa bao giờ mà "Quang” thì cũng… vừa phải thôi! Chuyện này tôi đã đúc kết rồi: Thường cái tên rất hay ngược với người! Cái anh tên Hùng thì chính ra lại thường rất hay nhát... Tương tự, anh tên Phú thì thường nghèo và tên Quang thì đời cũng chưa chắc đã sáng. Tôi cũng nghiệm thấy đời tôi không biết sao mua cái gì cũng phải trả giá đắt, và chỉ có thể trả bằng sức lao động. Có chăng, như người ta vẫn nói, mất cái này thì được cái kia. Cuối cùng thì Thượng đế vẫn công bằng!
- Trong tình yêu thì sao? "Người trả giá” thường là ông hay "đối tác”?
- Chả có ai phải trả giá cả! Trừ khi người ta quá ghê gớm hóa cái sự bỏ nhau, dừng lại… mà thôi! Kể ra thì mình đối với người ta như thế là cũng hết lòng rồi, còn một khi đã hết duyên thì phải chịu! Chẳng phải từng có câu răn này sao: Nếu phải sống với người không hợp với mình, thà lên non mà sống một mình…
- Nhưng tôi có thấy ông "lên non” bao giờ đâu nhỉ? Mà là… lấy vợ tiếp?
- À thì là vì có thể tôi chưa đến mức phải sống một mình!
- Cái này thì chính tận tai tôi nghe nhé: Có ít nhất hai chị bạn của tôi đã tiết lộ rằng, cái câu "Bên quán nhỏ, em buồn nghe lá trút” là viết về… họ. Vậy, "họ” là… 2?
- (cười) Thì tôi cứ viết ra thôi, còn người nào nhận thì là việc của họ! Chứ giờ mà tôi nói ra, chẳng may người ta đang yên ổn chồng con thì có phải… chết dở không?
- Thế mà không ít lần tôi nghe thấy ông khuyên: "Khôn ngoan chẳng lọ thật thà” đấy nhỉ?
- Thì đúng là thế mà! Vì mình có tinh vi cách mấy, thì sớm hay muộn người ta cũng nhận ra kia mà! Và đấy cũng là lý do mà trước một cô gái mới quen, không bao giờ tôi cố tỏ ra hào phóng. Không phải vì tôi tiếc mà vì tôi sợ người ta tưởng mình giàu. Tới lúc biết mình nghèo, ngộ nhỡ đâu người ta không còn yêu mình được nữa, thì sao…
- Thường thì ông có hay nhìn nhầm người không?
- Tôi thì được trời phú cho một khả năng này: nhìn một con ruồi bay qua, không chỉ biết nó là đực hay cái mà còn biết con nào là les, con nào là gay nữa cơ!
- Thế mà sao vẫn hay phải "yêu lại từ đầu” nhỉ?
- Thì Trịnh Công Sơn cũng bảo rồi thôi: "Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa…”. Ai nói khôn nói dại được chuyện tình cảm!
- Lấy ví dụ, Trinh Hương - con gái ông đi! Theo ông, cách cô ấy chấp nhận đứng lùi lại một bước sau chồng, thì là khôn hay dại?
- Chả phải là "nhất chồng, nhì vợ”, nhưng nếu họ tự nguyện dành cho nhau điều đó thì thế mới đúng là biết yêu!
- Chuyện! Con bố Quang mà lại không biết yêu!
- Chưa chắc! Nhưng đúng là là Duy và Hương, chúng nó hạnh phúc thật!
- Riêng khoản "một phát ăn ngay” đấy thì rõ là hơn đứt bố?
- Cũng chưa biết được!
- Hỏi… "khí không phải”, dạo gần gần đây, có cám dỗ nào mà khiến ông quay đi thở phào: "May mà mình… già rồi!” không?
- Không, làm gì đã đến nỗi già! Có điều, để giữ một người đàn ông, thực ra rất đơn giản. Có bí quyết này hay lắm, nhưng chỉ sợ nếu tôi nói ra, các cô (lẫn các ông) lại giãy nãy lên cho mà xem!
- Không đâu, tôi hứa!
- Vậy thì nghe đây: Hãy yêu chồng như yêu… chó! Để đừng bao giờ xích nó, phòng khi quên xích, hay chẳng may nó tự cạp đứt được thì đảm báo nó sẽ đợp ngay cái đứa đầu tiên nó nhìn thấy! Còn thì, trước đấy, bất quá nó cũng chỉ sủa lăng nhăng cho vui thôi, kệ nó đi mà!
- Ôi, sao ông lại có thể nặng lời thế nhỉ! Ai lại "sỉ nhục” đàn ông thế bao giờ?
- "Sỉ nhục” đàn ông hay là "sỉ nhục”… chó? Còn con vật nào có thể trung thành hơn chó, tận tụy hơn chó không? Được ví với chó chẳng là vinh dự cho con người lắm ru!
- Thôi tôi về "mở xích” cho chồng đây, cảm ơn ông!
Text: Thu Quynh
Photo: Trupi