- Mỗi người đều có một vài quãng thời gian đáng nhớ trong đời. Nó có thể trở thành động lực sống nhưng cũng có thể trở thành vết thương khó lành. Với anh, điều gì ở quá khứ tác động mạnh nhất đến anh trong thời điểm này?
- Tôi luôn nghĩ đến khoảng thời gian khó khăn nhất là khi mới lơ ngơ vào Sài Gòn đầu 2003. Lúc đó, tôi mù tịt đường đi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chẳng biết làm gì, hát gì và phải bắt đầu mọi việc từ đâu. Hồi còn ở Hà Nội, tôi chủ yếu hát nhạc trẻ, cover những bài hit của ca sĩ miền Nam. Nhưng khi vào Sài Gòn, tôi không được phép hát những bài đó nữa vì sợ "đụng" chủ nhân. Tôi phải hát những bài về Hà Nội với cái danh "ca sĩ đến từ thủ đô" để không đụng chạm đến ai, dù thời điểm đó "mác" ca sĩ Hà Nội không còn đặc biệt với khán giả.
Tôi còn nhớ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 giúp đỡ tôi rất nhiều, vì tôi là bạn của nhạc sĩ Nguyễn Quang - con trai ông. Bố Chín đưa tôi đến phòng trà ATB giới thiệu với ca sĩ Ánh Tuyết. Ông nói, chỉ giới thiệu chứ không ép tôi hát ở đó, nhưng phải nhớ muốn tồn tại ở Sài Gòn thì phải có tiền. Tôi thử giọng bằng ca khúc Hà Nội ngày trở về, chị Ánh Tuyết nghe xong thì... từ chối. Chị nhận xét, tôi hát tốt nhưng tuổi đời nhỏ quá, hát nhạc trẻ thích hợp hơn. Với nhạc xưa hay những ca khúc về Hà Nội, tôi cần thêm thời gian để hiểu và trải nghiệm. Khi đó, tôi thấy rất buồn vì bị từ chối. Trên đường về, bố Chín nói tôi hãy tự quyết định theo ý của mình, vì bố chỉ giúp được vậy thôi. Năm ấy, tôi mới 21 tuổi.
Ca sĩ Quang Hà. |
- Sau thất bại đầu tiên, anh nghĩ đến điều gì?
- Tôi nhớ lại, ở Hà Nội mình thường được xuất hiện ở những sân khấu lớn với cát-xê 4-5 triệu. Đài truyền hình Hà Nội còn thực hiện một chương trình riêng dài 30 phút giới thiệu giọng hát của tôi. Vậy mà vào TP HCM tôi phải đi xin hát với đồng lương 50-70.000, hôm nào nhiều thì được 80.000. Mỗi ngày, tôi chỉ mong kiếm được 100.000 để vừa chi trả sinh hoạt phí, vừa dành một ít tiết kiệm. Khi nào đủ thì đến phòng thu mua lại nhạc để đi hát.
Tôi bắt đầu suy nghĩ và thấy nếu muốn tồn tại thì buộc phải thay đổi. Tôi "sến hóa" từ đầu tóc, quần áo đến cách hát. Tôi quyết định nhuộm tóc xanh đỏ tím vàng, hát slow rock cho hợp thị hiếu khán giả miền Tây để đi diễn được ở nhiều sân khấu.
- Bước ngoặt nào giúp sự nghiệp của anh sang trang mới?
- Người Hà Nội thường có suy nghĩ, bố mẹ không có tiền cũng phải cố gắng lo cho con đầy đủ. Đó là lý do tôi không có nhiều tiền mà vẫn chắt bóp làm một album tử tế. Tôi đã bán chiếc xe máy đang chạy ở Hà Nội, góp thêm vào chi phí làm CD. Nhờ mối quan hệ, tôi được một số anh chị ở ngoài Bắc gửi gắm bạn bè trong này, cho thu thanh ở phòng thu Viết Tân - một trong những studio lớn nhất lúc bấy giờ. Ngoài ra, tôi còn được làm nhạc ở những nhạc sĩ nổi tiếng như Minh Khang, Lê Quang, Lý Huỳnh Long, Anh Khoa...
Album đầu tay của tôi có tên Nguyện ước trong đêm... Con đường thênh thang với ước mơ sự nghiệp ca hát sẽ rộng mở. Thế nhưng, tôi không "trúng" bài nào cả. Mọi người cho rằng tôi hát nhạc vẫn còn "cao" quá so với thị hiếu khán giả. Trong album có bài Giây phút chia xa khá hay và tôi cũng rất thích, nhưng quá nhiều ca sĩ hát. Mỗi lần tham gia chương trình nào, tôi chưa kịp đăng ký hát bài này thì anh Đàm Vĩnh Hưng hay Lý Hải đã hát trước.
Sau đó một thời gian, chị Lư Anh ở phòng thu Tít chọn cho tôi ca khúc Tình yêu vượt thời gian. Tôi quyết định đổi tên thành Không thể chia xa để "ăn theo" Giây phút chia xa. Không ngờ bài hát này khá ăn khách. Nhờ nó, ca sĩ Châu Gia Kiệt - khi đó đang là giọng hát hàng đầu thị trường miền Tây - đã lấy tên tuổi mình ra ép bầu sô mời tôi hát. Hàng tuần, tôi chạy sô các tỉnh miền Tây cùng xe của anh Châu Gia Kiệt. Dần dần, tôi tiếp cận được khán giả nhiều hơn và bắt đầu kiếm được tiền, sau đó đầu tư vào album thứ hai. May mắn, tôi trở nên nổi tiếng với bài hit Định mệnh của nhạc sĩ Quốc An, đi đến đâu cũng nghe người ta mở bài này. Tôi còn nhớ, tôi đã hát Định mệnh liên tục trong vòng 4 năm ở khắp các sân khấu theo yêu cầu khán giả.
- Thế nhưng, càng nổi tiếng anh lại càng bị đồng nghiệp lẫn khán giả ở TP HCM và Hà Nội "kỳ thị". Hẳn anh là người biết rõ nguyên nhân nhất?
- Kể từ sau album vol.2, tôi càng hát càng "xuống cấp" dần. Những album sau đó nhạc thị trường hơn, phong cách ăn mặc và giao lưu của tôi cũng thoải mái hơn. Nhiều đồng nghiệp thắc mắc, sao tôi đang hát nhạc tử tế lại trở nên như vậy, nhưng tôi chỉ biết cười. Lúc đó tôi đánh mạnh thị trường miền Tây, nếu hát những bài khán giả không thích, nghĩa là tôi đang tự giết mình. Vì vậy, tôi phải "thị trường hóa" từ ngoại hình đến cách hát nức nở, đau khổ. Ngoài ra, còn phải quan sát những đàn anh biểu diễn và giao lưu để học hỏi. Tôi không có cơ hội lấy lòng khán giả từ từ, mà bằng mọi cách phải chiếm được cảm tình của họ ngay khi xuất hiện. Giờ nghĩ lại tôi không ân hận, vì nếu tôi không hát như vậy thì không có được ngày hôm nay.
Khi mới nổi tiếng, Quang Hà bị đồng nghiệp lẫn khán giả ở thành phố 'kỳ thị' vì càng hát càng 'xuống cấp'. |
- Vậy tại sao anh quyết định quay lại con đường "chính đạo"?
- "Khi đói đầu gối phải bò", còn khi tạm đủ về kinh tế, không còn lo vấn đề mưu sinh hàng ngày thì lại khác. Tôi từng "hạ cấp" mình xuống thì khi thấy thích hợp, tôi phải tự "nâng cấp" mình lên. Năm 2006, tôi ra mắt album Quang Hà 2006, bên cạnh những bài nhạc trẻ, tôi xen kẽ một vài bài nhạc xưa. Khoảng thời gian đó, tôi bắt đầu đi lưu diễn nước ngoài liên tục, nên hát nhạc xưa thường xuyên hơn. Không lâu sau, tôi ra mắt album Cỏ úa.
- Đã phát hành một số album nhạc xưa lẫn album về Hà Nội và thường tham gia các chương trình mang tính nghệ thuật, nhiều khán giả vẫn chỉ coi anh là ca sĩ thị trường "học đòi hát nhạc sang". Anh thấy sao?
- Những năm gần đây, tôi hát song song hai dòng nhạc, cả nhạc trẻ lẫn nhạc xưa trong hầu hết các chương trình tôi tham gia. Khán giả quen thì quen, nhưng cứ nhìn thấy mặt tôi họ vẫn bị "ám ảnh" hình ảnh trong lần đầu xuất hiện là một ca sĩ thị trường. Khi bị "ám ảnh", họ trở nên e dè. Tôi có làm gì cũng không gột sạch được, bởi để xóa bỏ một định kiến là điều không hề dễ dàng. Với cá nhân tôi, vẫn không muốn bỏ dòng nhạc này để theo hẳn dòng nhạc kia, mà muốn theo đuổi cả hai. Vì vậy, đôi khi khán giả thấy tôi rất chững chạc, lịch lãm nhưng có lúc lại "hốt hoảng" vì tôi "quậy" quá.
- Một số người khó chịu vì cách hát phô diễn kỹ thuật của anh. Anh nghĩ gì?
- Ngày trước, khi mới chuyển qua hát nhạc xưa, tôi luôn hát tông cao. Nhưng, nhờ có sự "chỉ đạo" của bố con nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, tôi sẽ tiết chế, không hát cao nữa mà quan trọng là hát thật tình cảm. Khán giả sẽ thấy rõ sự thay đổi này khi xem liveshow Quang Hà - Chặng đường 10 năm tới đây.
Một ca sĩ trẻ hát nhạc xưa sẽ khó có cảm xúc dạt dào như thế hệ trước, và khó được khán giả chấp nhận. Tôi hy vọng, người nghe hiểu rằng chúng tôi hát theo cảm nhận riêng của những người đang sống trong thời đại này. Dù cách sống của chúng tôi mới mẻ, chúng tôi luôn cố gắng để không làm mất đi cảm xúc của những tình khúc bất hủ.
- Trong liveshow, anh làm thế nào để khán giả không buồn ngủ vì chỉ chú trọng phần nghe mà bỏ qua yếu tố "nhìn"?
- Tôi được khán giả biết đến bởi nhiều bài hát nhạc trẻ, nhưng mỗi lần làm liveshow, tôi đánh vào phần nghe là chính. Sân khấu của tôi được thiết kế rất bình thường so với liveshow của các ca sĩ khác. Sẽ không có bay nhảy, đu dây, phụt lửa... vì tôi không muốn làm khán giả mất tập trung vào bài hát. "Chiêu, trò" của tôi là ở cách xử lý hay sự hòa âm mới mẻ để người xem bất ngờ với những ca khúc quen thuộc. Chương trình không quá dài, chỉ khoảng 20 tiết mục kéo dài trong vòng hai tiếng. Ngay cả MC cũng không xuất hiện nhiều, tôi sợ làm mất đi mạch cảm xúc của người hát, ban nhạc và khán giả.
Trong đêm, tôi chia 35% cho nhạc trẻ, còn lại là nhạc xưa và những ca khúc về Hà Nội. Xuyên suốt liveshow là câu chuyện được kể bằng âm nhạc. Người xem sẽ hình dung được chặng đường hoạt động của tôi, từ ngày đầu đặt chân đến Sài Gòn, gặp khó khăn ra sao, hát những thể loại nhạc gì...
Tôi tạm ngừng hát ở các sân khấu từ đầu tháng 9 để tập luyện liveshow. Hàng ngày, tôi dành buổi chiều tập vũ đạo, tối tập hát. Vì 70% ca khúc trong show là bài cũ, nên tôi chỉ ôn lại lời cho thật thuộc. Với một số bài mới thì tôi tập kỹ lưỡng hơn. Không chỉ tôi mà những người thân cận, khi nghe lại phần nhạc của những ca khúc thuở tôi mới đi hát đều bị "rụng rời". Bao nhiêu kỷ niệm ùa về làm tôi rất bồi hồi và xúc động.
'Tôi có làm gì cũng không gột sạch được 'ám ảnh' trong khán giả mình là ca sĩ thị trường, bởi xóa bỏ một định kiến là điều không dễ dàng', Quang Hà tâm sự. |
- Ngày xưa anh bán xe máy làm album, bây giờ lại bán xe hơi làm show. Anh "đánh cược" gì trong "ván bài" này?
- Ban đầu tôi không định bán ô tô, vì cũng được sự tài trợ lẫn hỗ trợ từ nhiều nguồn. Thế nhưng, chỉ sau 3 năm mọi thứ thay đổi quá nhanh, chi phí cho tất cả đều bị đẩy lên cao gấp nhiều lần. Ê kíp lại rất cầu toàn, muốn có một chương trình thật đàng hoàng và chỉn chu. Vì vậy, tôi đành bán ô tô để để phòng trường hợp xấu nhất là bị lỗ vốn còn có tiền đắp vào ngay. Tôi không "đánh cược" gì trong liveshow này, mà thực hiện nó để đánh dấu một chặng đường đã đi qua. Có thể phải đến 10 năm nữa tôi mới làm show tiếp theo.
Người ta nói tôi khéo léo khi kêu gọi được nhiều tài trợ. Thật ra, tôi chơi với ai cũng không tính toán mà rất vô tư. Mọi sự hỗ trợ của anh em, bạn bè đều đến từ tấm lòng chân thành mà họ dành cho tôi. Họ cảm nhận tôi thế nào thì mới tự nguyện giúp. Bù lại, tôi tri ân họ bằng cách luôn để tên họ xuất hiện ở những nơi trang trọng nhất.
(Theo ngoisao.net).