Mặc dù đang rất bận rộn chuẩn bị cho liveshow kỉ niệm 25 năm hoạt động nghệ thuật vào tháng tới thế nhưng Khánh Thi vẫn bày tỏ mong muốn được chia sẻ suy nghĩ của mình về cộng đồng LGBT nhân Ngày quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, song tính và chuyển giới 17.5 (International Day Against Homophobia, Transphobia and Biphobia). Đặc biệt, cô cho rằng đã đến lúc khán giả nên khoan dung hơn đối với những nghệ sĩ là người đồng tính để họ có thể sống thật với chính mình.
PV: Tại sao chị lại quan tâm đến cộng đồng LGBT? Phải chăng đây là một chiêu thu hút sự chú ý cho liveshow sắp tới?
Khánh Thi: Bạn nghĩ sao cũng được. Tuy nhiên, tôi quyết định lên tiếng nhân ngày IDAHOT là do tôi cảm thấy mình cần phải làm như vậy. Và trùng hợp là nó sát ngày diễn ra liveshow. Trước đây, tôi cũng từng cho ra mắt MV ủng hộ cộng đồng LGBT đấy thôi. Tôi có rất nhiều bạn bè thân thiết là người đồng tính, song tính và chuyển giới. Tôi 'nợ' họ điều này.
Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã lâu, chị có biết ngôi sao nào thuộc cộng đồng LGBT không?
Ở mảng phim ảnh thì tôi không rành nhưng mảng ca hát thì tôi dám bảo đảm là có rất nhiều.
Nếu điều chị nói là đúng thì tại sao tới tận bây giờ vẫn có rất ít ngôi sao Việt công khai là người LGBT?
Đúng thế. Các ngôi sao ấy có thể thoải mái thể hiện con người thật của mình với bạn bè và gia đình nhưng lại không làm được hành động tương tự trước khán giả.
Tại sao lại như vậy?
Trên thực tế, những ngôi sao dám công khai LGBT hiện nay tại Việt Nam hầu hết đều chưa nổi tiếng lắm hoặc tuổi nghề còn ít. Tôi ngưỡng mộ sự can đảm của họ nhưng không phải ai cũng làm được như thế. Đối tượng khán giả của những ngôi sao lớn rất đa dạng, từ tuổi tác, ngành nghề, tôn giáo cho đến nơi ở. Chính vì thế, việc công khai LGBT là rất mạo hiểm. Đó là chưa tính đến các hợp đồng quảng cáo cho những nhãn hàng. Không phải vô cớ mà ngay giữa lòng nước Mỹ, số lượng sao hạng A công khai LGBT vẫn còn rất ít. Nếu không cẩn thận, tất cả sản phẩm sau này của họ đều không được đánh giá công bằng mà chỉ toàn liên quan đến chủ đề LGBT. Nói chung, rủi ro rất cao.
'Khán giả' đáng sợ đến thế sao?
Bạn đừng hiểu lầm. Tôi không hề trách khán giả cho những điều ở trên.
Vậy thì trách nhiệm phải thuộc về ai?
Định kiến. Cái chúng ta đang chiến đấu để xóa bỏ là định kiến chứ không phải bất kỳ ai. Nhiều người từng hỏi tôi rằng tại sao lại có thể đồng cảm sâu sắc với cộng đồng LGBT như thế? Câu trả lời nằm ở chỗ: Tôi cũng là nạn nhân của sự kỳ thị và định kiến trong xã hội.
Là đàn bà, tôi đã gặp không ít khó khăn khi quyết định theo đuổi đam mê của mình. Đó là định kiến về giới tính. Thế nhưng nó chẳng là gì nếu so sánh với những lời nhận xét tiêu cực mà tôi từng nhận được khi mối quan hệ với Hiển bị đưa lên mặt báo. Ngay cả bản thân vào giai đoạn đầu, tôi cũng khó chấp nhận sự thật là chồng nhỏ hơn mình 10 tuổi. Tư duy của tôi vốn bị ảnh hưởng bởi cha mẹ và các bậc tiền bối đi trước trong nhiều năm. Vượt qua được định kiến, chấp nhận chính mình để rồi chiến đấu bảo vệ cho hạnh phúc của bản thân là một quá trình cực kỳ gian khó mà không phải ai cũng làm được.
Khánh Thi cho rằng đã đến lúc khán giả nên khoan dung hơn đối với những nghệ sĩ là người LGBT. |
Định kiến là một thứ vô hình. Phải làm thế nào để có thể xóa bỏ nó?
Tôi nghĩ rằng trong xã hội này ai cũng là nạn nhân của một dạng định kiến nào đó. Ví dụ như định kiến về giới tính, xu hướng tính dục, vùng miền, ngoại hình, công việc... Nếu đã như vậy thì chúng ta nên đối xử với nhau bằng sự khoan dung và tử tế chứ không phải bất kỳ tiêu chuẩn mang tính kì thị nào.
Nghệ sĩ cũng là con người bằng xương bằng thịt. Họ cũng phải làm việc rất vất vả để mang đến tiếng cười cho khán giả. Chính vì thế, khán giả cũng nên thông cảm và thấu hiểu cho họ. Ai cũng mong muốn bản thân có thể sống hạnh phúc mà.
Chốt lại, tôi nghĩ rằng khán giả chỉ nên đánh giá nghệ sĩ thông qua sản phẩm của họ chứ không phải việc họ yêu ai hay lựa chọn giới tính nào.
Khánh Thi và Vương Khang. |
Nói thì dễ nhưng để biến nó thành hiện thực thì có vẻ hơi khó?
Đúng thế. Kêu gọi tự do, bình đẳng và khoan dung là một công việc không bao giờ chấm dứt bởi vì sự kỳ thị vẫn sẽ luôn tồn tại, bằng dạng này hay dạng khác. Nhưng không có nghĩa là chúng ta phải bỏ cuộc. Tôi nghĩ đã đến lúc người dị tính mà đặc biệt là những nhà làm luật nên bỏ cái suy nghĩ "tôi ban phát quyền cho các bạn" đi. Con người ngay từ khi sinh ra đã có quyền mưu cầu hạnh phúc, sống thật và cưới người họ yêu. Chúng ta chỉ đơn thuần là trao trả thứ mà họ xứng đáng được sở hữu ngay từ đầu mà thôi.
Chị có thông điệp nào muốn gửi đến cộng đồng LGBT Việt hay không?
Tôi ngưỡng mộ các bạn. Không phải bởi vì các bạn là LGBT mà là cho dù bị vùi dập bởi định kiến và kì thị, các bạn vẫn có thể tìm được cách khẳng định sự hiện diện của mình. Đó là một câu chuyện rất truyền cảm hứng.
Cám ơn vì đã dám sống thật. Cám ơn vì đã lên tiếng. Cám ơn vì đã dám đấu tranh. Các bạn đã cho tôi niềm tin rằng con trai tôi rồi sẽ được trưởng thành trong một xã hội Việt Nam khoan dung hơn và tử tế hơn. Tôi sẽ luôn luôn dõi theo và sát cánh cùng các bạn. Cố gắng lên nhé!
Cám ơn chị rất nhiều!
Theo Một thế giới