Cadillac muốn Tâm tập nhiều bài nhạc ngoại quốc, chốn đó hợp với nhạc ngoại hơn là trình bày loạt ca khúc Việt mới. Chốn đó là bar club, không phải đất của Làn Sóng Xanh. Vì vậy, Tâm hát To Love You More, The Day You Went Away. Những bản nhạc ngoại được cover như thế là "việc thường ngày ở huyện" của phần đông ca sĩ có chút khả năng ngoại ngữ. Đến bây giờ các ca sĩ hát bar vẫn vậy, khó có thể hát nhạc Việt. Đa số ca sĩ đi hát muốn thu hút khán giả giải trí, muốn được lòng ban nhạc, toàn chọn hát lại nhạc ngoại. Họ hát riết thành thói quen với những bài hát được lặp đi lặp lại quen nhẵn hàng đêm. Ca sĩ bar và phòng trà thường bị "chai" trong một không gian quá nhỏ, quá máy móc và nhàm chán. Họ ít có và ít nghĩ đến việc tìm khán giả tri âm.
Nhưng Tâm hát ở một mức độ khác, một chiều sâu khác: Ngoài chuyện kiếm tiền (hát club và vũ trường đơn thuần là chuyện thu nhập), em còn nâng bài hát lên một tầm vóc cao hơn, tươi mới, nhuần nhị, tự nhiên như thể bài viết riêng cho mình... Nếu thấy tôi phát biểu chưa đủ "thiêng", bạn đọc thử nghe ý kiến của Hữu Đức (ban nhạc Cadillac) vậy: "Tâm không hát trả bài, cô ấy luôn hát như thể từ máu thịt toát ra, bài nào cũng thế, bất kể bài dễ hay khó. Lúc tập đã thấy ngùn ngụt hừng hực, lúc diễn thì... khỏi nói, như là một núi lửa phun. Sung mãn cực kỳ".
Như núi lửa. Như phún thạch, quả vậy. Dạo xưa, người ghiền nhạc cứ đến bất kỳ club nào đều được nghe nhạc ngoại; các ca sĩ kỳ cựu Đức Vượng, Thanh Long Bass hát nhạc The Beatles, nhạc Pháp xưa; dàn ca sĩ trẻ cover nhạc Backstreet Boys, Trương Học Hữu, Cher và Britney Spears. The Day You Went Away của ban M2M còn là bài được cover nhiều nữa là khác. Ấy vậy mà, cứ Tâm động vào là thành bài của riêng Tâm.
Như Tóc nâu môi trầm, đâu phải viết cho Tâm. Mà rồi đã thành một phần Tâm.
Một đêm sau giờ chạy show từ Intershop qua Cadillac, độ chừng mười một giờ rưỡi, trời mưa lất phất, gió mát lạnh, đường về nhà nhập nhoạng tối và loang loáng ánh đèn xe, Tâm rủ tôi đi uống rượu, "Anh em mình đi tìm chỗ nào yên tĩnh nhâm nhi chút đi, bé có nhiều chuyện muốn hỏi anh".
Tôi đưa Tâm đến Carmen. Quán nhỏ đầu đường Lý Tự Trọng, với ông chủ tên Việt, người mê văn nghệ và thường mời một ban nhạc flamenco đến chơi hàng đêm. Anh em chúng tôi ngồi trên gác. Đêm đã khuya nên ban nhạc đã nghỉ, chỉ còn nhạc jazz nhỏ nhẻ phát từ loa. Vợ chồng Việt và Thiên Hà, con gái nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tôi đã quen biết từ trước rất lâu, khi họ mới mở tiệm cà phê trên đường Tú Xương. Carmen là một cái pub đúng tiêu chuẩn, Tâm và tôi thích nó giống như hai anh em vẫn thích tiệm ăn La Cave dưới hầm (tiếng Pháp, la cave nghĩa là cái hầm) một chung cư đường Lý Tự Trọng nhìn qua công viên Chi Lăng, sau trở thành tiệm 31 Đông Du một thời hay Jaspas sau này...
... Vậy là đêm đó, anh em chúng tôi đã có cuộc trò chuyện dài nhất. Tâm chia sẻ những nỗi lo, những bất an sinh kế và bị cám dỗ về tiền bạc của một cô gái nhỏ đến Saigon từ một miền đất, một gia đình thuần chất và ấm áp. Đây có lẽ là đề tài muôn thuở của những người nhập cư và khởi nghiệp: nên nhận sự giúp đỡ nào, nên có thái độ nào với tiền bạc, huy động nguồn tài chính ở đâu để bảo đảm sinh kế hàng ngày, giúp đỡ người thân rồi còn đầu tư cho nghề ca hát - cái nghề cần những khoản tiền rất mênh mông, khổng lồ so với những người trẻ hàn vi.
Từ cái gọi là "hào quang người nổi tiếng", tôi phân tích cho Tâm thấy những người đã nổi danh dù không cần khoe danh, vẫn tỏa sáng, ta có thể nhận ra họ giữa một rừng người xa lạ, và khi năng lượng của họ còn đầy thì mặt mũi, thần thái của họ tỏa rạng sáng ngời ngời, chỉ khi "hết thời" mới lu mờ, rồi chìm đi lặng lẽ, như ngôi sao cháy hết đời sống của nó. Thường, ở những chỗ hát nhỏ, nơi chạy show hàng đêm, Tâm có sức hút rất ấn tượng nhưng khi ra sân khấu lớn, em vẫn còn bị khớp, chưa tự tin và hơi nhạt nhòa. Em có các "đối thủ" quá sừng sỏ: Hiền Thục, Thanh Thảo, Thu Phương... Thu Phương lớn hơn Tâm, coi như nửa thế hệ. Thanh Thảo và Hiền Thục có vẻ ngoài sáng và cái duyên sân khấu lạ thường. Cả hai cô, dù cũng đang mày mò, gập ghềnh như Tâm, nhưng đều có gia đình ở Saigon làm điểm tựa, ít ra không đến mức mỳ gói và cô độc trong ký túc xá hàng đêm. Sân khấu lớn, rộng, mênh mông và đông khán giả đến mấy, cả hai vẫn kiểm soát một cách ngoạn mục bằng nụ cười, ánh mắt, một vài điểm nhấn kỹ thuật qua cách nói, cách tung hứng ứng xử, trong khi Tâm còn bản năng lắm.
Chắc chắn hơn nữa là em không đi con đường thành diva Hà Nội được, cho dù có muốn (may là em không muốn!), thế nên phải giữ được và định hình thật rõ một phong cách Saigon. Cách hát Saigon chủ trương chân thành, giản dị, không quá đà phô trương kỹ thuật. Nhưng Saigon, Hà Nội gì thì cũng cần phải sáng sân khấu. "Sáng sân khấu" là một thuật ngữ quen thuộc của giới làm nghề. Tôi đã từng chỉ cho Tâm khi hai anh em đứng tựa quầy bar phòng trà M-Saigon xem Mỹ Linh: "Bé có thấy Linh tỏa một hào quang rất kỳ lạ không, có thể nếu có hào quang sẵn thì sẽ dễ nổi tiếng hơn, nhưng cũng có thể nhờ nổi tiếng mới bắt đầu lóe hào quang, và bé cần lưu tâm đến vấn đề này. Ở những người thành công, bao giờ quanh họ cũng có thứ ánh sáng lạ lùng bao phủ".
Lúc ấy Hiền Thục, cô gái cùng tuổi, cùng trường cùng lớp Nhạc viện với Tâm đã nổi danh, Thục xinh đẹp sáng ngời, nhẹ nhõm trẻ trung, thêm chút điệu đàng, nhưng bài hát vốn dành cho Thục quay video - Tóc nâu môi trầm - lại không được cô hát. Tôi nói với Tâm rằng bé cố gắng tập và thu âm bài ấy cho thật hoàn hảo, nếu không sẽ rất uổng phí một ca khúc tốt.
Chúng tôi ngồi đến tận hai giờ sáng để nói về đời nghệ sĩ, những thăng trầm tất yếu, cách sống chung với những lời đồn thổi, làm sao để phát triển một fanbase, phải chuẩn bị những gì cho sự đi lên của một gương mặt mới.
Album đầu đời của Tâm được lên khuôn một cách khoa học, dù đó không phải dạng album ý niệm nhưng vẫn tổ chức chặt chẽ, có mối liên kết thống nhất giữa các bản thu, các phong cách hòa âm. Mãi Yêu là sản phẩm chung của tôi và Tâm, em tham dự không chỉ như một ca sĩ mà là đồng sản xuất (co-producer). Tôi chưa bao giờ làm artist manager mà chỉ là người phát hiện tài năng, tìm ra chiến lược phù hợp cho nghệ sĩ.
Trên cương vị người hoạch định chiến lược, tôi bàn luận với em về các chương trình ca nhạc ở Hà Nội, chỗ Hồ Gươm Xanh hay New Century. Hà Nội có hai nơi ấy là chính, nhưng cả hai đều rất khác nhau về cách tổ chức, thành phần khán giả, cách làm việc với ca sĩ,... Tôi và em nghiên cứu tâm lý của khán giả miền Bắc, lập ra các nhạc mục tương ứng và thích hợp với từng chỗ diễn...
Cuối mùa xuân 2001, tôi đưa Tâm ra hát ở New Century trong một chương trình làm riêng cho tôi, với Trần Thu Hà, Quang Hà, nhóm Tik Tik Tak lúc đó rất sung sức và còn đông đủ thành viên. Khán phòng bên quầy bar dài có Trí Minh (em trai Thanh Lam), Thu Phương, Huy MC, Lương Minh (anh Minh là biên tập viên kỳ cựu và mát tay của VTV, đã mất cách đây mấy năm), Ngọc Châu, Đăng Khôi, Thu Trang, nhà báo Chu Minh Vũ, Lê Hiếu... chăm chú ngồi xem. Đêm nhạc của tôi và sự có mặt của Tâm ở một nơi được xem như "chiếu trên" nhất trong các nơi giải trí Hà Nội, nên lôi cuốn những gương mặt đình đám đến đó. Trí Minh là một DJ nổi tiếng, được coi như nghệ sĩ về electronic music số một tại Việt Nam. Minh học hành đến nơi đến chốn, có nền tảng chuyên môn sâu và chắc. Minh rất điềm đạm, ngồi nghe em hát với một nụ cười cởi mở, không rào đón xã giao.
Cuộc "Bắc tiến" thành công, Tâm bắt đầu được nhắc đến như một ngôi sao mới. Hoa tặng ngập tràn sân khấu. New Century đầy khán giả hớn hở và thỏa mãn khi ra về. Tâm đã được nhận ra khi ngồi ăn sáng cùng chúng tôi ở ngõ Hàng Hành, đã có người lao xao xin chữ ký.
Các báo ngoài Bắc râm ran viết về Tâm, nối sau bài của chính tôi đã đăng trên Người Đẹp Việt Nam. Tôi có trích viết lại trong cuốn Mặt (2005). Toàn văn bài ở đây, phòng xa các fan của Tâm không đọc được cuốn sách nay đã tuyệt bản.
Năm trước, tôi đã trèo suốt mười tầng gác hẹp để lên căn phòng cũ Tâm thuê. Phòng trống tuềnh toàng, tủ giường xộc xệch, bếp núc lạnh tanh. Năm trước, Tâm chưa tròn hai mươi, to bè và nâu như dân chài. Xa nhà, tiền bạc không dư dả, công việc bất ổn, tương lai vô định, thế mà Tâm vẫn vô lo, vẫn ồn ào cười nói như người sung sướng mọi thứ. Hát buổi tối ở phòng trà, Tâm đi bộ. Chạy thoăn thoắt mười tầng gác hẹp và tối, băng qua mấy ngã tư đông xe, mồ hôi thấm áo và tóc nâu bết lại, nhất là những đêm mưa. Tâm vô danh, nhỏ bé và vậy dĩ nhiên phải cất đi ít nhiều mặc cảm.
Một lần nọ, tôi bảo Tâm, "Vào thời kỳ Chị tôi, Mỹ Linh tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Em phải cảm cho bằng được thứ ánh sáng đó. Đó là bản năng chuyên nghiệp, là chìa khóa mở cánh cửa thành công". Và Tâm thành công, sau đó ít lâu. Vừa rồi, người ta kể với Tâm rằng trong một phát biểu trên báo, Mỹ Linh tỏ ra thất vọng về Tâm, tưởng sẽ tiến xa nào ngờ thị trường quá. Tâm nghe chuyện, cười nói hê hê: "Bé thì vẫn phục chị Linh, vẫn mong chị tiến xa ra bên ngoài biên giới. Bé thì... ở trong biên giới được rồi. Quyết định vậy đi!".
"Quyết định vậy đi!". Tâm thích câu cửa miệng nhí nhố dễ thương đó.
Như: "Bé sẽ qua nhà anh ăn cơm, ngủ trưa rồi tập đàn, quyết định vậy đi!". Vâng, năm trước, Tâm hay sang nhà, vợ tôi nấu những món theo thực đơn ăn kiêng cho Tâm, có rất nhiều rau và cà phê đen nữa. Tâm ăn rồi lăn ra ngủ, rồi gõ máy tính mổ cò trả lời email. Tâm và tôi cùng mê wasabi, thứ mù tạt Nhật xanh ngắt và cay xè. Tôi dặn Tâm luôn luôn đem theo một ống wasabi mua từ Nhật để nếu có đi ăn hải sản ở đâu thì "có sẵn đồ xịn của riêng mình". Tâm cũng vui buồn bất chợt, buồn thì rũ rượi và thức cả đêm, đến nỗi hôm sau không hát được. Tất cả những chuyện ngày thường mà tôi chứng kiến, cùng trải qua, cùng gánh chịu với Tâm được phản ánh đầy đủ trong album Mãi Yêu, album đầu tay của Tâm do tôi sản xuất, Phương Nam Phim phát hành.
Nhạc sĩ Quốc Bảo - tác giả sách "Tâm" (phát hành cuối tháng Sáu). Ảnh: Phan. |